.
Phương hay thuốc quý

Nói thêm về Bướm bạc

Bướm bạc, một số địa phương nước ta còn gọi là Bướm trắng, Bươm bướm.

Theo tài liệu Viện Dược liệu Trung ương, Bướm bạc “có vùng phân bố khá rộng rãi ở hầu hết các tỉnh miền núi, trung du hay đồng bằng Bắc Bộ”. Trước đây chúng tôi chưa thấy tài liệu chính thống nào ghi nhận loài này có ở miền Trung. Đến đầu năm 2010, có lần bà lang Phú (ở Quế Lộc, Nông Sơn, Quảng Nam) có gửi cho Tuệ Tĩnh Đường Lộc Quang (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) một số dược liệu khô ghi tên là Bướm trắng, nhưng do chưa xác định rõ nguồn gốc cây thuốc nên chúng tôi chưa dám sử dụng.

Tìm đến nhà bà Phú, cách Đà Nẵng khoảng 80km, tôi chụp được ảnh cây này trong một lùm bụi sau vườn nhà bà. Mang mẫu vật và hình ảnh về đọ với các sách cây thuốc của GS. Đỗ Tất Lợi, TS. Võ Văn Chi và Viện Dược Liệu, tôi xác định được đó chính là cây Bướm bạc - Mussaenda pubescens Ait. f., thuộc họ Cà-phê - Rubiaceae. Tiếp tục tìm kiếm trong vùng bán sơn địa Hòa Sơn, cũng như vùng rừng thưa Núi Chúa - Bà Nà, chúng tôi đã phát hiện có khá nhiều Bướm bạc mọc hoang, tuy trữ lượng không lớn, nhưng nếu sớm biết khai thác bền vững đi đôi với nhân giống, bảo tồn nguồn gene thì chúng ta có thể khai thác sử dụng lâu dài.

Kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu 8 bài thuốc dùng độc vị Bướm bạc, nay xin giới thiệu tiếp một số bài thuốc dùng Bướm bạc phối hợp với các vị thuốc khác để chữa bệnh, đã được y văn trong và ngoài nước ghi nhận.

1- Cảm mạo, sổ mũi, say nắng: Thân Bướm bạc 12g, lá Ngũ trảo (Mẫu kinh diệp) 10g, Bạc hà 3g. Hãm trong nước sôi mà uống.

2- Chữa sốt, táo bón, tân dịch hao kiệt: Rễ Bướm bạc 60g sao vàng, Hành tăm 12g sao vàng. Sắc uống.

3- Chữa ho, sưng amidan, sốt: Rễ Bướm bạc 20g, Huyền sâm 20g, rễ Bọ mẩy 10g. Sắc uống.

4- Chữa trẻ em viêm não B, sốt cao, khô khát, hôn mê: Rễ Bướm bạc 30g, Hoa hòe 15g, Huyền sâm, Sinh địa, Mạch môn, Ngưu tất, Hạt muồng sao, Dành dành, mỗi vị 12g. Sắc uống.

5- Lợi tiểu, viêm thận, phù (trị thấp nhiệt, tiểu tiện bất lợi): Thân Bướm bạc 30g, dây Kim ngân tươi 60g, Mã đề 30g. Sắc uống.

6- Trị thấp nhiệt phúc tả (ỉa chảy do thấp nhiệt): Bướm bạc 80g, Bạch đàn đỏ (Đại diệp án thụ = Eucalyptus robusta Smith) 24g. Sắc nước, chia 3 lần uống trong ngày.

7- Chữa trúng độc lá ngón (Đoạn trường thảo), phê sương (Asen, tức Thạch tín nguyên chất, có trong thuốc trừ sâu, diệt cỏ), thuốc diệt chuột (Zinc Phosphoride): lá Bướm bạc tươi 120 – 160g, giã vắt nước cốt, hòa với 3-5 lòng trắng trứng gà, 2g bột rễ Đại kế, 2g bột Thiên môn đông. Trước móc họng cho mửa ra rồi đổ thuốc, cứ 15 phút uống 1 lần. Miệng khát cho uống nước sắc đậu xanh, trong thời gian dùng bài thuốc này chữa trúng độc lá ngón phải cẩn thận theo dõi sát sao bệnh tình, cần phối hợp với các phương pháp cấp cứu của Đông y và Y học hiện đại.

Xin nói thêm vài kinh nghiệm cá nhân, theo Lương y Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch Hội Dược liệu Đà Nẵng, dùng độc vị Bướm bạc sắc uống chữa bệnh khí hư bạch đới (viêm nhiễm phụ khoa) rất hiệu quả. Một đồng nghiệp khác là Lương y Nguyễn Đức Nghĩa ở TP. Hồ Chí Minh cho tôi biết có một thân chủ đã dùng Bướm bạc chữa lành bệnh ung thư tử cung, xin nêu ra đây như một gợi ý để các nhà khoa học nghiên cứu.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.