(ĐNĐT) - Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế, trẻ sơ sinh nên được tiêm vắcxin viêm gan B ngay trong 24 giờ đầu sau sinh để phòng bệnh đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, trước tình hình có trẻ sơ sinh bị tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B tại Quảng Trị (ngày 20-7), Đà Nẵng cũng đã cho tạm ngừng sử dụng loại vắcxin trùng với hai lô mà các cháu tử vong được tiêm trước đó (VGB-020812E và VGB-030812E).
Xung quanh vấn đề này, chiều 23-7, PV Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng.
Thưa bác sĩ, có phải việc tạm ngừng sử dụng loại vắcxin như nêu trên được thực hiện tại tất cả các bệnh viện (BV) trên địa bàn thành phố và áp dụng đối với tất cả các lô vắcxin viêm gan B?
Bác sĩ Nguyễn Hóa: Việc tạm ngừng chỉ được áp dụng đối với vắcxin viêm gan B thuộc hai lô VGB-020812E và VGB-030812E (3 trẻ tử vong tại Quảng Trị đã được tiêm vắcxin thuộc hai lô này). Với những lô khác, vì chưa có chỉ định ngưng sử dụng nên vẫn có thể tiêm cho trẻ như bình thường, trong điều kiện cán bộ y tế tư vấn kỹ cho bà mẹ và được bà mẹ đồng ý. Dù lượng vắcxin viêm gan B trên địa bàn thành phố hiện nay chủ yếu trùng với hai lô tạm ngưng sử dụng, nhưng Đà Nẵng vẫn còn 231 liều vacxin viêm gan B thuộc các lô khác không bị tạm ngưng đó là lô VGB-020112E và B-Br010411. Trong đó, BV Liên Chiểu còn 90 liều, Trung tâm Y tế Hải Châu còn 100 liều, BV Ngũ Hành Sơn 33 liều…
Tức là ở những bệnh viện còn các lô vắcxin chưa bị tạm ngưng thì có thể dùng được?
Bác sĩ Nguyễn Hóa: Đúng vậy
Không tiêm ngay trong 24 giờ đầu có ảnh hưởng nhiều đến khả năng phòng bệnh viêm gan B không thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Hóa: Tiêm sớm sẽ giúp việc phòng bệnh đạt hiệu quả tối ưu. Nhưng nếu không được tiêm trong thời gian này thì không có nghĩa trẻ sẽ bị nhiễm bệnh viêm gan B. Viêm gan B chủ yếu lây truyền qua đường máu, nên với trường hợp bà mẹ đã bị viêm gan thì nguy cơ đứa trẻ đó bị lây bệnh cao hơn những trẻ khác.
Vậy trong trường hợp mẹ bị viêm gan, đứa trẻ lại được sinh ra ngay trong thời điểm tạm ngưng tiêm vắcxin viêm gan B thì bác sĩ sẽ khuyến cáo như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Hóa: Không phải bất kỳ ai nhiễm vi rút viêm gan B cũng đều phát thành bệnh vì đến 80% khả năng cơ thể tự đào thải, chỉ có 15-20% mới phát triển thành bệnh. Hơn nữa, như đã nói, hiện một số bệnh viện trên địa bàn thành phố còn các liều thuốc ngoài hai lô bị tạm ngưng, nên các bà mẹ có thể chọn giải pháp tiêm những loại vắcxin đó. Trong trường hợp, trẻ được sinh ở BV không có vắcxin loại khác ngoài lô bị ngưng thì không tiêm sớm cho trẻ cũng không đáng ngại. Ở tháng tuổi thứ 2, 3, 4, trẻ còn được tiêm phòng viêm gan B.
Thu Hoa (thực hiện)