.

Gia tăng bệnh nghề nghiệp trong công nhân

.

Bệnh nghề nghiệp đang là nỗi lo của nhiều công nhân khi làm việc trong môi trường không đáp ứng đủ an toàn vệ sinh lao động. Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, điều đáng ngại là con số này ngày càng gia tăng.

Khám bệnh cho công nhân tại Công ty CP dệt may 29-3 Đà Nẵng.
Khám bệnh cho công nhân tại Công ty CP dệt may 29-3 Đà Nẵng.

Mức lương thấp, cường độ công việc cao, lại phải làm việc trong môi trường không bảo đảm sức khỏe nhưng nhiều công nhân đành phải chấp nhận sống chung với… bệnh vì mưu sinh.

Sống chung với... bệnh

Từng có 7 năm làm việc tại một nhà máy chuyên sản xuất đồ chơi cho trẻ em ở khu công nghiệp Hòa Khánh, chị Nguyễn Thị Hòa (30 tuổi, quận Liên Chiểu) mặc dù nghỉ việc đã lâu nhưng đến nay bệnh viêm xoang mắc phải trong những ngày còn làm công nhân vẫn đeo đẳng. Chị Hòa cho biết: “Tôi làm ở bộ phận sơn nên việc dị ứng da, ho là chuyện thường xuyên, vì sơn rất độc. Nhiều hôm về nhà da dẻ xanh, tím đủ màu, mẩn đỏ vì dị ứng. Nhưng da bôi thuốc còn hết chứ ho thì cứ uống hết thuốc là bị lại. Biết là do công việc làm sức khỏe mình ra như vậy, nhưng đành chịu vì không làm lấy gì ăn”. Mãi đến khi bệnh nặng, đi khám tại bệnh viện, bác sĩ yêu cầu phải nghỉ việc gấp, nếu không bệnh tình thêm nặng, khó lòng chữa trị thì chị Hòa mới xin thôi việc.

Bệnh giãn tĩnh mạch chân được xem là bệnh “phổ biến” tại nhiều nhà máy, xí nghiệp, nhất là ở những bộ phận với tính chất công việc phải đứng nhiều. Có thâm niên gần 10 năm làm việc tại một công ty sản xuất đồ chơi trẻ em trên địa bàn quận Liên Chiểu, chị Phạm Thị Lê (43 tuổi, ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu) phải uống thuốc đều đặn hằng ngày để chữa căn bệnh giãn tĩnh mạch chân. Chỉ vào cái chân nổi gân xanh đau nhức, chị thở dài: “Những người làm lâu năm trong công ty đều bị thế cả. Đau nhức không ngủ được. Khổ lắm!”.

Chị Lê thổ lộ phải “bóp bụng” đặt mua một đôi tất chữa bệnh tại tiệm thuốc tây trên đường Lê Duẩn với giá hơn 1 triệu đồng để khi đi làm đỡ đau hơn. Chị cho biết, có nhiều người làm ở các công ty chế biến thủy sản bị bệnh này còn nặng hơn, thậm chí phải nghỉ làm hay chuyển sang công việc khác.

Doanh nghiệp còn thờ ơ?

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Phượng, Trưởng khoa Sức khỏe nghề nghiệp - Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) Đà Nẵng, tùy theo tính chất từng môi trường làm việc khác nhau, công nhân sẽ mắc phải các bệnh nghề nghiệp. Trong đó, công nhân làm việc thuộc các ngành sản xuất đá, dệt, may mặc, vật liệu xây dựng… thường dễ mắc bệnh nghề nghiệp nhất.

Theo báo cáo của Trung tâm YTDP, trong vòng 6 tháng đầu năm 2013, chỉ có 49/280 cơ sở có báo cáo về tình hình khám chữa bệnh cho công nhân và có tới hơn 21.000 trường hợp (trên tổng số hơn 29.000 công nhân được khám) mắc bệnh tại các cơ sở có báo cáo. Việc khám sức khỏe định kỳ cho công nhân cũng không được các doanh nghiệp chú trọng khi chỉ có 109/280 cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ tại Trung tâm YTDP hoặc Đội YTDP tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Cũng theo báo cáo này, số lượng người lao động mắc các bệnh nghề nghiệp tăng gần gấp đôi so với năm 2012. Cụ thể, bệnh viêm phế quản mạn tính có 77 ca, bệnh điếc do tiếng ồn có 7 ca trong tổng số hơn 1.200 lao động được khám. Trong khi đó, năm 2012 chỉ có 4 trường hợp mắc bệnh điếc nghề nghiệp. Sức khỏe công nhân tại các cơ sở chủ yếu là loại 2 và loại 3. Những công nhân có sức khỏe loại 4 và loại 5 thường do các bệnh về răng miệng (sâu răng, giảm sức nhai), bệnh về mắt (tật khúc xạ) và nguyên nhân do thể lực (chiều cao, cân nặng)...

Bài và ảnh:  KIM NGÂN - BÌNH AN

;
.
.
.
.
.