.

Tỷ lệ người lây nhiễm HIV dưới 0,15%

.

Ngày 17-9, phát biểu tại hội nghị đồng thuận triển khai Kế hoạch can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2015, định hướng đến 2020, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh đề nghị lãnh đạo các cấp, ngành, đơn vị liên quan ủng hộ và tham gia chương trình giảm tác hại lây truyền HIV.

Đồng thời phát huy tính chủ động và sự tham gia tích cực của các đối tượng can thiệp trong việc lập kế hoạch và tham gia chương trình, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn xã hội để bảo đảm tính phối hợp và thống nhất, tạo sự đồng thuận của cộng đồng đối với các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các loại truyền thông, chú trọng truyền thông trực tiếp dựa vào các nhóm giáo dục viên đồng đẳng, nhân viên tiếp cận cộng đồng, mở rộng các mô hình nhân viên tiếp cận cộng đồng trong dự phòng lây nhiễm HIV, đa dạng hóa các mô hình cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn, bảo đảm tính sẵn có và dễ tiếp cận cho đối tượng can thiệp. Thành phố cần mở rộng và nâng cao chất lượng chương trình điều trị methadone, bảo đảm đáp ứng nhu cầu điều trị cho đối tượng nghiện chất dạng thuốc phiện.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, tính đến cuối tháng 8-2013, toàn thành phố có 1.641 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 708 bệnh nhân AIDS và 407 ca tử vong do AIDS. Trong số 924 ca HIV là người Đà Nẵng, có 382 ca tử vong do AIDS và 542 người hiện chung sống với HIV. Nhiễm HIV qua tình dục không an toàn đang dần chiếm ưu thế, số phụ nữ phát hiện nhiễm HIV càng nhiều và đang ghi nhận các trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con. Lây nhiễm HIV trong các nhóm đối tượng nguy cơ cao hiện đang ở mức thấp như tiêm chích ma túy liên tục giảm từ sau năm 2006 và ở mức 2,33% trong năm 2012. Nhóm phụ nữ bán dâm, bệnh nhân hoa liễu duy trì ở mức rất thấp (dưới 0,5%) trong nhiều năm, và kết quả năm 2012 là 0% đối với nhóm bán dâm và 0,33% đối với nhóm bệnh nhân hoa liễu nam. Nhóm quan hệ tình dục đồng giới 0,38% trong năm 2012.

Thành phố đã tập trung triển khai nhiều hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, qua đó đã khống chế tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn với tỷ lệ dưới 0,15% dân số. Tuy nhiên, quá trình triển khai các chương trình giảm tác hại còn bộc lộ nhiều khó khăn như mạng lưới đồng đẳng viên ở cơ sở thiếu về số lượng lẫn chất lượng, kinh phí hoạt động bị động do chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ từ các dự án quốc tế và chỉ tập trung ở một số quận trọng điểm. Hành vi phòng bệnh của nhóm đối tượng có nguy cơ cao được cải thiện nhưng chưa bền vững.

Tiến tới xóa bỏ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Mục tiêu của thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,15%, trong đó giảm 70% số ca nhiễm mới HIV trong nhóm tiêm chích ma túy vào năm 2015 và 90% vào năm 2020 so với năm 2010; giảm 60% số ca nhiễm mới do lây truyền qua đường tình dục vào năm 2015 và 80% vào năm 2020 so với năm 2010.

Đến năm 2015, 100 phụ nữ bán dâm và tiếp viên trong các dịch vụ vui chơi giải trí được khám, điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục 6 tháng/lần và tiếp tục duy trì tỷ lệ này đến 2020. Máy bán bao cao su tự động được đặt tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Cùng với mục tiêu phòng chống AIDS toàn cầu, Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015 và giảm 50% ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS.

THU HOA

 

;
.
.
.
.
.