Một ca bệnh tử vong do nghi nghiễm sốt xuất huyết (SXH) đầu tiên trong năm nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo người dân tuyệt đối không chủ quan với căn bệnh này.
Thực tế việc “gióng chuông” cảnh báo SXH liên tục được thực hiện từ đầu năm đến nay, bởi diễn biến bệnh năm 2013 phức tạp hơn so với những năm trước.
Ngay từ đầu năm, số ca mắc SXH đã cao và đến thời điểm hiện tại càng khó lường khi thời tiết đang chuyển mùa, mưa nhiều. Theo số liệu mới nhất về SXH, từ đầu năm đến nay thành phố ghi nhận 1.409 ca, mỗi tuần trung bình có 40-50 ca mắc. Đặc biệt, trong tuần qua ghi nhận 69 trường hợp, nhiều hơn rõ so với vài tuần liền trước đó.
Muỗi vằn không chừa một ai, nên bất kể người dân nào cũng có thể nhiễm SXH. Nước đọng là môi trường sinh trưởng của loăng quăng, bọ gậy, muỗi vằn. Một cách làm khá nhẹ nhàng, đơn giản để hạn chế loại sinh vật trung gian gây bệnh SXH mà bất kỳ ai cũng có thể làm được ngay quanh khu vực mình sinh sống là xử lý các điểm có nước đọng. Một ngày chỉ cần dành ra 5 phút rảo khắp nhà phát hiện nơi có nước đọng để đổ đi, úp lại hoặc xử lý bằng cách cho muối, thả cá vào v.v… sẽ góp phần làm sạch môi trường không loăng quăng, bọ gậy. Vào những ngày có mưa, nhiều nơi quanh nhà có khả năng tồn tại chỗ đọng nước, nên việc quan sát, xử lý càng cần phải lưu ý nhiều hơn.
Để dập ổ dịch, biện pháp phun thuốc vẫn là cách chủ yếu được áp dụng hiện nay. Cứ trong vòng 7 ngày, ở 2 tổ dân phố liền kề có 2 người mắc bệnh SXH thì được đánh giá là một ổ dịch nhỏ. Các ổ dịch nhỏ sẽ được phun thuốc xử lý trong phạm vi bán kính 200 mét kể từ nhà có người mắc bệnh. Với những ổ dịch được phun thuốc diện rộng, khu vực phun có khi lên đến 30 hoặc 50 tổ dân phố.
Tuy nhiên, phun thuốc không có nghĩa là tiêu diệt đúng nguồn lây bệnh. Bởi lẽ, có người mắc bệnh không phải từ nhà ở của họ mà tại quán cà-phê, đoạn đường, trường học nào đó. Xác định chính xác địa điểm bệnh nhân bị nhiễm SXH là điều khó và đôi khi rất mơ hồ. Thế nên, phòng SXH không có nghĩa là chỉ làm sạch nhà cửa của mình hay phun thuốc quanh khu nhà mình, mà môi trường sống công cộng cũng cần phải được coi trọng. Kẻo không, mầm bệnh được khống chế chỗ này, nhưng lại lòi những mầm mới ở chỗ khác thì chúng ta cũng chỉ mãi loay hoay chạy theo ổ dịch.
Thêm một điều rất cần lưu tâm trong phòng chống SXH là khi sốt cao liên tục, đau đầu, mệt li bì, nhất là kèm biểu hiện xuất huyết, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
TOÀN VÂN