.
Phương hay Thuốc quý

Cà hai lá chữa đau dạ dày

.

Một lần đi Huế, nghe một đồng nghiệp cho biết có người bạn đau dạ dày kinh niên, cuối cùng đã nhờ cây “cam hoang” chữa khỏi hẳn. Tôi liền nhờ dẫn đến nơi có cây này mọc để tận “mục sở thị”.

Cây Cà hai lá - Solanum diphyllum  trong thành nội Huế. Ảnh P.C.T
Cây Cà hai lá - Solanum diphyllum trong thành nội Huế. Ảnh P.C.T

Hóa ra cây này có mọc hoang trong vườn nhà tôi, nhưng thú thật tôi không biết tên và chưa một lần có ý nghĩ tìm hiểu về nó để làm thuốc. Lấy mẫu cây tìm đến nhà người bạn đồng nghiệp nọ, ông xác nhận mẫu cây đúng là cây thuốc đã dùng. Ông cho biết trước đây bị viêm loét cuống dạ dày tá tràng hơn chục năm, sau khi ăn hoặc uống chút bia rượu vào là đau lâm râm suốt cả ngày, uống đủ loại thuốc tây (ông vốn là chủ nhà thuốc tây, lại có em vợ là bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa ở Bệnh viện Trung ương Huế), nhưng không khỏi.

Một lần về quê ăn giỗ, ông được người bà con mách nên dùng cây “cam hoang” (có quả nhỏ nhưng chín vàng như quả cam) xắt phơi khô, mỗi ngày nấu 1 nắm (khoảng 30g) uống thay nước trà trong vài tháng. Ông đã áp dụng chưa đầy 1 tháng thì khỏi hẳn. Đã 10 năm bệnh không tái phát. Kinh nghiệm này đã được ông “chủ tiệm thuốc tây” hướng dẫn và cung cấp “thuốc nam” cho hàng trăm người “đồng bệnh tương lân”, phần lớn đều khỏi bệnh.

Mang mẫu cây về nhà tra cứu, tôi đã định danh được cây thuốc đó chính là cây Cà hai lá, tên khoa học Solanum diphyllum L., thuộc họ Cà (Solanaceae). Đây là cây gỗ nhỏ mọc đứng, cao 0,5 - 1m. Thân tiết diện tròn, thường có 2 (ít khi 3) gân dọc nổi rõ; thân non màu lục hay nâu đỏ, rất ít lông; thân già nâu đen, có nốt sần. Lá đơn, mọc so le; đoạn mang hoa mỗi mấu có một lá to và một lá nhỏ mọc thành một góc 90o (nên có tên Cà hai lá). Đáng chú ý là tra trong khoảng 5.000 cây thuốc trong Trung dược Đại từ điểnTừ điển Cây thuốc Việt Nam (bộ mới) đều không thấy cây này. Tra cứu tài liệu nước ngoài, được biết rễ cây chứa hoạt chất có khả năng diệt một số dạng tế bào ung thư cổ tử cung, tế bào Hela; nhưng chưa thấy ở đâu ghi nhận tác dụng chữa đau dạ dày nói trên.

Lưu ý thêm, các tài liệu thực vật nước ngoài đều có cảnh báo loài cây này có độc, nhất là trong quả chín, nếu ngộ độc có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, có thể dẫn đến tử vong. Bởi vậy khi ứng dụng bài thuốc nói trên đây, nên sử dụng dược liệu khô, không dùng cây tươi, quả chín và cần thận trọng uống thăm dò về liều lượng.

Kinh nghiệm của tôi chỉ dùng 20g Cà hai lá, phối hợp với 15g Dạ cẩm và 15g lá Dung, thành bài thuốc nam chữa hội chứng dạ dày tá tràng rất an toàn và hiệu quả. Tôi đã áp dụng bài thuốc này chữa dứt hẳn bệnh cho nhiều bệnh nhân, trong đó có bà cô ruột bị bệnh hơn một năm, từng khám và điều trị mười mấy đơn thuốc tại một bệnh viện lớn, tốn kém trên hai mươi triệu đồng nhưng không khỏi.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.