Bệnh đái tháo đường thường diễn tiến âm thầm qua các giai đoạn: bình thường → tiền đái tháo đường (rối loạn dung nạp glucose và rối loạn đường máu đói) → đái tháo đường.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ phòng tránh được bệnh đái tháo đường. |
Trong giai đoạn tiền đái tháo đường, nếu chúng ta chỉnh lý chế độ ăn và chế độ vận động, gọi chung là điều chỉnh lối sống, thì có thể trở lại giai đoạn bình thường. Đây là kết luận khoa học vô cùng quan trọng của nhiều thăm dò, nghiên cứu được các chuyên gia, viện nội tiết, hãng dược phẩm nổi tiếng đã thực hiện trên cả vạn bệnh nhân trong nhiều năm qua.
Chế độ dinh dưỡng toàn diện (Total Nutrition Therapy-TNT)
Với bất kỳ bệnh nội tiết nào, đặc biệt với bệnh đái tháo đường, một liệu pháp điều trị muốn thành công bắt buộc phải tuân thủ ba chế độ cơ bản, thường được các chuyên gia ví như “kiềng ba chân”: chế độ ăn uống, chế độ vận động và chế độ thuốc men, trong đó chế độ ăn là quan trọng nhất rồi đến chế độ vận động. Để gọn hơn, các nhà nội tiết gom chung chế độ ăn uống và chế độ vận động gọi là lối sống. “Chỉnh lý lối sống trước rồi mới thuốc men sau” là câu châm ngôn hiện nay của những chuyên gia bệnh đái tháo đường.
Khẩu phần Địa Trung Hải nổi tiếng
Cả ngàn năm nay, trong chế độ ăn vùng biển Địa Trung Hải, dầu ôliu và hải sản là hai thành phần chủ đạo. Các dân tộc sống quanh biển Địa Trung Hải ăn nhiều rau quả tươi, dầu ôliu với hải sản như cá, tôm, rong biển và các loại hạt ngũ cốc, thức uống kèm trong bữa ăn là rượu chát đỏ. Họ lại có một thứ tự sử dụng các món ăn khác lạ: ăn rau trái, rong biển trước, tiếp đến sẽ ăn các loại cá biển, hải sản, ăn rất ít các loại thịt động vật và sau cùng mới ăn các loại hạt, ngũ cốc nhưng cũng với số lượng vừa tầm.
Các nhà khoa học phát hiện với chế độ dinh dưỡng “rượu chát - dầu ôliu - hải sản” đặc biệt này, nhiều dân tộc vùng Địa Trung Hải như Hy Lạp, Ý, Pháp, Tây Ban Nha… có tỷ lệ mắc bệnh nội tiết chuyển hóa, đặc biệt bệnh tim mạch và đái tháo đường thấp hơn nhiều so với nhóm dân châu Âu theo chế độ ăn “bia - bơ - thịt”.
Chế độ ăn thuần Việt
Người đái tháo đường cũng phải ăn uống để bảo đảm đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động, nghĩa là bảo đảm đủ cả về số lượng lẫn chất lượng như người bình thường, không kiêng khem quá đáng và tuyệt đối không được nhịn, bỏ ăn.
Chế độ ăn của người đái tháo đường cần tuân thủ: cơ cấu bữa ăn gồm 15% chất đạm, 35% chất béo, 50% chất đường bột, ngưng các thức ăn có đường ngọt; thức ăn đường bột trong ngày nên chia nhỏ vào ba bữa ăn; nếu cảm thấy đói giữa hai bữa ăn chính, có thể dùng thêm một bữa ăn nhẹ. Giảm tối đa thức ăn chứa chất béo. Nên ăn cá 2-3 lần trong tuần. Ăn nhiều thức ăn chứa chất xơ và hạn chế tối đa rượu, bia, thức uống có cồn.
Ở nhiều nước châu Á, với khẩu phần ăn “trà - cơm” là chủ yếu, tỷ lệ bệnh tim mạch thường thấp nhưng đái tháo đường lại cao. Qua nhiều hội nghị khoa học của ngành nội tiết - đái tháo đường toàn quốc, một khẩu phần “nội địa” đáp ứng đủ tiêu chí dinh dưỡng cho người có nguy cơ đái tháo đường đã được đưa ra gồm: các loại ngũ cốc toàn phần có đủ vitamin, chất xơ và muối khoáng; chất béo là dầu thực vật (dầu phộng, dầu mè…) trong liều lượng bình thường; sử dụng chất đạm từ hải sản và thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt vitamin nhóm B. Đặc biệt có khuyến cáo y tế là nên dùng cá và rau trước, sau cùng mới dùng chất bột.
Lời kết
Ngạn ngữ Anh có câu “Con người tự đào mồ bằng chính hàm răng của mình”. Nếu ăn uống đúng, thực phẩm sẽ là nguồn cung cấp năng lượng, tạo ra sức sống, ngược lại nếu ăn uống “không đúng sách” thì chính thức ăn lại gây tai họa.
Chất đạm, chất béo thực gốc là những chất dinh dưỡng hiền lành, nhưng dùng quá nhiều, không cân đối chúng sẽ không còn bổ dưỡng mà sẽ làm “bổ ngửa” người sử dụng.
Người cao tuổi có nguy cơ bệnh đái tháo đường cần lưu ý chế độ ăn hợp lý.
TS, BS, TRẦN BÁ THOẠI
Khoa Nội tiết-Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng
Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam