Trồng vườn thuốc nam mẫu trong trạm y tế (TYT) để giới thiệu cho nhân dân về những bài thuốc quý thuộc cây cỏ quanh ta là một quy định hay của Bộ Y tế. Bằng tâm huyết của một số lương y, vẫn có ít trạm duy trì vườn thuốc với trên dưới 50 cây các loại.
Lương y Lê Hoàng Châu (trái) và Huỳnh Văn Trạng chăm vườn cây thuốc nam tại Trạm y tế Hải Châu 2. |
Tuy nhiên, phần nhiều các TYT, nhất là những trạm nội thành, việc trồng cây thuốc chủ yếu chỉ để đối phó với quy định khi quỹ đất hạn hẹp không thể phát triển vườn cây.
Tâm huyết với cây nhưng...
TYT phường Hải Châu 2 (564 Ông Ích Khiêm) nằm trên con đường kinh doanh sầm uất của quận Hải Châu, nên việc trạm này có diện tích đất hạn chế đến không có chỗ để xe cho nhân viên y tế là chuyện thường. Dù vậy, bên trong cơ sở có vẻ khá hẹp lâu nay lại tồn tại một không gian xanh với vài chục loại cây thuốc quý do hai lương y của trạm phụ trách.
Từ bạch truật, cửu lý hương, ráy tía đến ngải cứu, quế hương, xả, gừng, chanh v.v… đều có mặt ở khu vườn vài mét vuông này. Tận dụng khoảng thở được coi là “giếng trời” của trạm, lương y Lê Hoàng Châu và Huỳnh Văn Trạng đã cất công sưu tầm nhiều cây thuốc từ dân dã đến quý hiếm để mang về đây làm vườn mẫu.
Việc chăm cây tưởng là chuyện nhẹ nhàng, nhưng với cây thuốc thì đòi hỏi sự chăm bón kỳ công hơn mới mong giữ được dược tính. Nói về quá trình này, lương y Lê Hoàng Châu chỉ vào chồng sách giới thiệu, hướng dẫn trồng cây thuốc nam đặt trên bàn. Thế mới thấy đâu chỉ có tưới nước, cho ít phân hay canh đám chuột cứ chực chờ phá hoại.
Phát triển vườn ngày càng thêm nhiều cây quý hiếm lại là chuyện say mê khác của hai lương y. Ông Châu kể: “Có khi ngồi quán nước, nhìn bên kia đường thấy cây thuốc là mình phải đứng dậy tiếp cận cho bằng được”. Trong khi đó, lương y Huỳnh Văn Trạng thì nhờ những người thường xuyên đi núi phát hiện giúp cây thuốc, bởi nhiều cây chỉ có trong rừng sâu.
Thừa nhận chỉ mới dừng ở mức độ “đối phó” với quy định của Bộ Y tế, nhưng nhìn cái cách hai ông chăm chuốt cho từng chậu cây bé nhỏ tại đây mới thấy sự “đối phó” thật dễ thương và đầy tâm huyết.
Dẫu vườn thuốc nam tại TYT Hải Châu 2 tương đối đa dạng chủng loại và xứng đáng làm mẫu nhưng điều đáng tiếc là không nhiều người dân biết đến vườn này để tăng cơ hội hiểu biết về cây thuốc của ông cha như mục tiêu của Bộ Y tế.
Lương y Châu chia sẻ: “Mình liệu cơm gắp mắm duy trì được vườn cây, nhưng rồi cũng chỉ có mình và các anh em ở trạm khác biết cũng là điều đáng tiếc nuối. Người dân thành thị, nhất là người trẻ, ngày càng ít tiếp xúc với cây cỏ để hiểu về giá trị của nó. Thế nên càng cần có sự tuyên truyền rộng rãi để bà con nhân dân biết mà sử dụng thuốc nam”.
Duy trì vườn thuốc trên... tranh
Không chỉ ở khâu tuyên truyền, cái khó lớn nhất hiện nay trong việc duy trì vườn thuốc nam là nhiều trạm không mặn mà vì lấy đất đâu để trồng cây. Một số trạm trồng vài chậu cho có, nhiều nơi khác chỉ đặt cây vào chậu rồi tưới nước hằng ngày để cây sống được chừng nào thì sống. Có trạm trưởng khi được hỏi về vườn thuốc trạm mình đã thờ ơ: “Ở đây không có gì để nói”.
Phổ biến nhất là các trạm duy trì vườn trên… tranh. Vẫn là hàng chục loại cây thuốc nhưng không cần trồng, không cần chăm, không cần quỹ đất mà vẫn bảo đảm tiêu chí của Bộ Y tế. Bác sĩ Nguyễn Văn Xuân, Trưởng khoa Đông Y, Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế quận Hải Châu cho biết: “Thực trạng chung là vườn thuốc nam ở các trạm vẫn duy trì nhưng không phát triển mạnh và phong phú. Chỉ có một số trạm có quỹ đất, còn lại thì đành duy trì vườn thông qua tranh ảnh, tạp chí. Đó cũng được xem là cách giới thiệu cây thuốc đến bà con, dĩ nhiên không trực quan sinh động bằng cây thật”. Theo bác sĩ Xuân, các trạm nếu có trồng cây thật cũng chủ yếu chọn cây “dễ nuôi” nhưng không khó kiếm, không khó chăm và sử dụng tươi đơn giản, tiện lợi.
Bài và ảnh: THU HOA