Bác sĩ Nguyễn Út (ảnh), Phó Giám đốc Thường trực Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm thành phố cho rằng, dịch HIV/AIDS đang tiếp tục lan rộng, chúng ta cần có sự ứng phó toàn diện, kịp thời và công tác phòng, chống HIV/AIDS phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, với sự tham gia của toàn xã hội và của mỗi người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2013, bác sĩ Nguyễn Út cho biết:
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS trong những năm qua đã đạt một số kết quả nhất định, kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng ở mức 0,26% (mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS đến năm 2010 là 0,3%). Tuy nhiên, số người mới nhiễm HIV được phát hiện hằng năm vẫn còn nhiều, lây truyền HIV do quan hệ tình dục gia tăng, kiến thức chung về HIV/AIDS và việc thực hiện các hành vi phòng ngừa lây nhiễm HIV còn nhiều hạn chế; sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn nặng nề...
Trên địa bàn thành phố đã phát hiện 1.653 ca nhiễm HIV, trong đó có 711 ca chuyển sang giai đoạn AIDS và 409 ca tử vong. Ở các quận, huyện, xã, phường trong thành phố đều có người nhiễm HIV/AIDS. Toàn thành phố mỗi năm có khoảng 130 ca nhiễm mới HIV (trong 5 năm gần đây); người lây nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa (hơn 70% ở độ tuổi 20-39), nhiều nhất là do quan hệ tình dục không an toàn...
20 năm qua, lãnh đạo thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống HIV/AIDS; hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS không ngừng được kiện toàn; công tác phối hợp liên ngành được tăng cường; các hoạt động dự phòng chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người nhiễm HIV được triển khai mở rộng...
Mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố đến năm 2010 ở mức dưới 0,15% mà Kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 của UBND thành phố đề ra đã trở thành hiện thực. Đà Nẵng và Cần Thơ là hai thành phố đầu tiên của Việt Nam được Bộ Y tế đăng ký với các quốc gia trong khối ASEAN thực hiện “Thành phố 3 không về HIV/AIDS” vào năm 2015.
* Mục tiêu “Thành phố 3 không về HIV/AIDS” và phương hướng, hành động để hướng tới không còn người nhiễm mới HIV cụ thể như thế nào, thưa bác sĩ?
- Chương trình phối hợp của LHQ về HIV/AIDS chọn chủ đề chung cho các chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 là “Geting to zero”, nghĩa là “Hướng tới mục tiêu 3 không” (không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử có liên quan đến HIV/AIDS).
Từ chủ đề chung của LHQ, Việt Nam đã chính thức chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2013 là “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.
Để hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV, chúng ta phải phấn đấu đến năm 2015: giảm 50% các ca nhiễm mới do lây truyền HIV do quan hệ tình dục không an toàn; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS; giảm 50% các ca lây truyền HIV trong nhóm những người tiêm chích ma túy, tất cả người nghiện ma túy nhiễm mới HIV đều được dự phòng đúng.
Trong kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, xác định rõ mục tiêu: “Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,15% vào năm 2020, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Để thực hiện mục tiêu hướng tới không còn người nhiễm mới HIV, Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm thành phố đề ra 5 hành động cụ thể, tập trung vào các nội dung trọng tâm: Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường huy động và đầu tư các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; tạo ra sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS...
LÊ VĂN THƠM thực hiện