Bia, rượu đã làm không ít người không kiểm soát được hành vi của mình, thậm chí biến đổi nhân cách. Có những trường hợp để lại nỗi đau cho gia đình, xã hội.
“Khi không có rượu, đầu tôi văng vẳng những âm thanh ghê sợ. Những lúc như thế, tôi ôm đầu, cầm tiền đi mua rượu uống để thoát cơn sợ hãi”, Nguyễn Ngọc T. (35 tuổi, trú xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ với chúng tôi.
Bác sĩ Lê Văn Nguyện thăm các bệnh nhân đang “cai rượu” tại Khoa Pháp y - Nghiện chất, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. |
Mỗi khi lên cơn thì... thấy quỷ dữ
Nguyễn Ngọc T. mới nhập viện tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng để cai rượu. T. nghiện rượu nặng, đến mức “loạn thần” và trí nhớ không còn minh mẫn. Nhà T. nghèo nên không được học hành, anh làm nghề thợ nề để mưu sinh. “Ở quê, sau mỗi bữa trưa, bữa tối, thậm chí là nửa buổi, người ta đều đãi thợ bằng rượu đế (rượu gạo). Ban đầu, tôi uống vài ly để ăn cơm nhưng ngày nào cũng vậy thành quen”, T. chia sẻ. Mới 35 tuổi nhưng T. có “thâm niên” uống rượu gần 20 năm và nghiện rượu hơn 10 năm nay.
“Khi lên cơn nghiện, chân tay bủn rủn không ăn uống, không làm việc được, bên tai luôn văng vẳng âm thanh, hình ảnh rất ghê sợ”, T. nói. Khi nghiện nhẹ, T. còn lao động phụ giúp gia đình, nhưng hơn 2 năm nay thì ở nhà. Thế là mọi gánh nặng lo toan cuộc sống gia đình đè lên vai chị H. - vợ anh.
Để cai rượu, chị H. đưa anh đến Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng chữa trị. Bác sĩ Lê Văn Nguyện, Phó trưởng khoa Pháp y - Nghiện chất, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết: “Những ngày đầu mới ra, T. dường như không còn biết gì, không nhớ mình là ai. Các y, bác sĩ đã đưa ra phát đồ điều trị hợp lý. Sau một tuần, hiện bệnh nhân có nhiều tiến triển hơn”.
Một trường hợp nghiện rượu nặng đang “cai” tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng là ông Hồ N. (57 tuổi, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn). Theo bác sĩ Lê Văn Nguyện, ông N. vào cai rượu 2 lần nhưng khi trở về thì nghiện trở lại. Hiện tại, ngoài nghiện rượu nặng, ông N. còn bị nhiều căn bệnh nội khoa rất nặng như dịch tràn phổi, xơ gan, suy thận. Ông N. cũng làm nghề thợ hồ và có thâm niên 20 năm uống rượu gạo. Đến 50 tuổi, ông bắt đầu nghiện nặng, sức khỏe yếu dần nên không thể lao động. “Mỗi lần tôi lên cơn nghiện thì thường mắng chửi vợ, bởi trong ảo giác tôi thấy vợ tôi theo người khác và có ý muốn giết tôi”, ông nhớ lại. Tuy đã quyết tâm cao nhưng 2 lần cai vẫn không thành. “Lần này là lần thứ 3, tôi hy vọng sẽ cai được”, ông N. nói.
Bác sĩ Lê Văn Nguyện cho biết, người nghiện rượu có những biểu hiện như co giật, sùi bọt mép; đồng thời sẽ có những biến đổi nhân cách như khóc, cười bất chợt. Khi thiếu rượu sẽ có “hội chứng cai rượu”, dẫn đến run tay chân, vã mồ hôi, nói nhảm và có những ảo thị, ảo thanh, thấy quái vật. Khi đến giai đoạn nặng không còn biết gì về mình, có thể lên cơn động kinh co giật, tử vong. “Hiện tại, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đang nhận điều trị 7 người nghiện rượu. Thời gian cai tùy thuộc vào từng người, có người một tuần nhưng cũng có người đến vài tháng”, bác sĩ Nguyện cho biết.
Nỗi ám ảnh của phố phường
Hơn 3 năm qua, người dân ở kiệt 32 Thanh Sơn (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) ngao ngán với Lê Minh Đ. (40 tuổi) bởi ngày nào Đ. cũng nhậu. Từ năm 2010 đến nay, hàng chục lần sau khi đi uống rượu, bia về, Đ. lại gây gỗ với hàng xóm cũng như những người trong gia đình, nhiều lần bị Công an phường xử phạt hành chính, lập hồ sơ đề nghị đưa vào giáo dục ở phường. Dẫu vậy, Đ. vẫn không chừa. Trong thời gian chấp hành sự “quản thúc” của địa phương, Đ. lại uống rượu, bia, đánh nhau. Năm 2012, Đ. được đưa đi cải tạo tại cơ sở giáo dục Hoàn Cát (tỉnh Quảng Trị) thời hạn 24 tháng. Khi trở về, Đ. vẫn uống rượu, bia và lặp lại “kịch bản” trước kia. Tháng 8 vừa qua, tổ dân phố nơi Đ. sinh sống lại tiếp tục mở cuộc họp, xin ý kiến người dân và nhất trí đưa Đ. đi cơ sở giáo dục lần thứ hai.
Không thua kém Đ., ông Nguyễn Văn T. (50 tuổi, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cũng khiến hàng xóm phải tránh né, gia đình mệt mỏi. Vốn có việc làm ổn định tại một công ty có tiếng ở địa bàn Đà Nẵng, song do ham mê rượu chè nên ông T. bị đuổi việc. Tuy chưa đến mức nghiện rượu, chân tay bủn rủn, nhưng không ngày nào ông T. không uống rượu bia. Sau mỗi lần như thế, ông T. đứng ngoài đường chửi đổng suốt đêm, khiến người dân không ai yên giấc. Hàng chục lần như vậy, mặc dù bị Công an phường lập biên bản, xử phạt hành chính, áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường nhưng ông T. không tiến bộ. Giữa tháng 11-2013, ông T. được đưa vào cải tạo tại cơ sở giáo dục Hoàn Cát.
Không dừng lại ở hành vi chửi bới, không ít đối tượng vì rượu mà xâm phạm thân thể người khác như: cưỡng hiếp, cố ý gây thương tích, thậm chí tước đoạt mạng sống của những người xung quanh. Theo thống kê của ngành Công an, từ đầu năm đến nay, có hơn 10 vụ án cố ý gây thương tích nguyên nhân do mâu thuẫn từ các cuộc nhậu. Điển hình, lúc 17 giờ ngày 17-11, tại quán nhậu Bo Bo (tổ 124, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), Nguyễn Thăng B. (18 tuổi, trú huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) ngồi nhậu cùng anh Dương Văn Q. (23 tuổi, trú xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) thì hai bên xảy ra mâu thuẫn. B. dùng dao bấm thủ sẵn đâm Q. khiến Q. bị thương nặng, hiện cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng hôn mê sâu...
Theo Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đà Nẵng, bình quân mỗi ngày bộ phận cấp cứu nhận gần 30 ca tai nạn giao thông, trong đó không ít ca có sử dụng rượu, bia (tính cả con số ở các tỉnh lân cận đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu). Điều này minh chứng tình trạng sử dụng rượu, bia, gây tai nạn giao thông thời gian qua đến mức báo động. Để hạn chế tình trạng tai nạn giao thông từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, Thiếu tá Phan Văn Thương, Phó trưởng Phòng CSGT Công an thành phố cho biết, thực hiện đợt cao điểm xử lý nồng độ cồn của Bộ Công an, Phòng đã tham mưu Giám đốc Công an mở đợt chuyên đề xử lý nồng độ cồn. Phòng đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ, Đội CSGT - Công an các quận, huyện dùng các thiết bị kỹ thuật, lực lượng vào cuộc, xử lý kiên quyết các hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. |
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ