.

Trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine: Không có bằng chứng khẳng định do tiêm vaccine

.

Tại hội thảo với cơ quan báo chí về truyền thông trong công tác tiêm chủng, diễn ra ở Đà Nẵng, ngày 29-11, GS, TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR) - khẳng định: “Tất cả trẻ tử vong sau tiêm đều không có bằng chứng khẳng định do vaccine”.

Trẻ được theo dõi sau tiêm vaccine phòng bệnh.
Trẻ được theo dõi sau tiêm vaccine phòng bệnh.

Hội thảo nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về hiệu quả của vaccine trên thế giới và Việt Nam, lợi ích của tiêm vaccine thể hiện qua kết quả phòng bệnh; đồng thời mong muốn thông qua các cơ quan truyền thông, người dân sẽ khôi phục niềm tin và đồng thuận với chương trình TCMR.

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng cho biết, sau 28 năm thực hiện Chương trình TCMR, đến nay, Việt Nam được WHO đánh giá là điểm sáng về tiêm chủng, sớm đạt mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Những năm đầu triển khai TCMR (1985) chỉ với 6 loại vaccine, đến nay Việt Nam đã thực hiện tiêm miễn phí 11 loại phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn. Trong đó, Việt Nam đã tự sản xuất được 10/11 loại vaccine phục vụ TCMR. Năm 2000, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở châu Á thanh toán bệnh bại liệt; năm 2005 loại trừ uốn ván sơ sinh và giảm đáng kể nhiều bệnh khác như sởi, viêm gan. Đó là một số kết quả cho thấy chúng ta đã thực hiện thành công cam kết với cộng đồng quốc tế.

Ước tính TCMR góp phần làm giảm khoảng 6,7 triệu ca mắc và 42.900 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm đáng kể trong vòng 20 năm từ 51,2‰ (1990) xuống 23‰ (2011). Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 23‰ (1990) xuống 12‰ (2010).

Phản ứng phụ là không thể tránh khỏi

Trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến tâm lý hoãn tiêm, ngừng tiêm và thậm chí từ chối vaccine của không ít phụ huynh trước tình trạng một số trẻ có biểu hiện sốc nặng hoặc tử vong sau tiêm, GS, TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định: vaccine không an toàn 100%. Tuy nhiên đến nay, tất cả các trường hợp tử vong sau tiêm đều không có kết luận chứng minh có liên quan đến chất lượng vaccine.

Theo GS, TS Nguyễn Trần Hiển, vài năm gần đây, mỗi năm trung bình có từ 10-15 trẻ tử vong sau tiêm vaccine. Riêng giai đoạn tháng 7-2010 đến tháng 4-2013 có 43 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm, trong đó 27 trẻ tử vong. Qua điều tra cho thấy, có 9/43 trường hợp trên liên quan đến vaccine nhưng đều không tử vong và được khôi phục sức khỏe. Trong 3 năm đó, Việt Nam triển khai tiêm khoảng 12 triệu liều. 9 ca phản ứng/ 12 triệu liều là rất thấp so với tỷ lệ cho phép 1,1/1 triệu liều. Những ca còn lại, theo Bộ Y tế là có yếu tố ngẫu nhiên hoặc đột tử không rõ nguyên nhân.

Về trường hợp cháu bé tại tỉnh Bạc Liêu được cho là tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem vừa mới đây, GS, TS Hiển cho biết đó là lô vaccine mới vừa được nhập về Việt Nam từ tháng 8-2013, sản xuất tháng 3-2013 và hạn sử dụng kéo dài trong 3 năm. Cùng lô thuốc với cháu bé đó có 250.000 trẻ khác được tiêm và đều ổn định sức khỏe. Như vậy, khó có thể khẳng định là do chất lượng vaccine.

Về một số vấn đề khác liên quan đến tâm lý hoang mang của phụ huynh, Cục Y tế dự phòng cho rằng phản ứng phụ sau tiêm là điều không thể tránh khỏi. Có hai dạng phản ứng gồm loại nhẹ, thông thường như sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, sốt trên 38 độ, các triệu chứng toàn thân kích thích, khó chịu. Một số phản ứng hiếm gặp như co giật có sốt, giảm tiểu cầu, bệnh não, liệt, áp-xe vô trùng, khóc thét dai dẳng trên 3 giờ đồng hồ… Trong đó, sốc phản vệ là một trong những trường hợp hiếm và có khả năng xuất hiện trong 1 giờ đầu sau tiêm, được WHO xác nhận tỷ lệ 1,1 trường hợp/1 triệu liều vaccine.

Dù đã ghi nhận những phản ứng sau tiêm Quinvaxem và viêm gan B sơ sinh ở các tỉnh, thành khác nhau, đặc biệt trước tỷ lệ giảm số trẻ được tiêm một cách rõ rệt trong 9 tháng đầu năm nay do tâm lý lo ngại, nhưng Bộ Y tế khẳng định không vì thế dừng sử dụng hoặc thay thế vaccine. “Muốn dừng phải có cơ sở khoa học, trong khi đó các ca tử vong được cho là sau tiêm vaccine đều chưa có bằng chứng do vaccine này gây nên”, GS, TS Hiển nói. Bên cạnh đó, một vài ý kiến cho rằng nên thay thế Quinvaxem đang sử dụng phổ biến hiện nay bằng loại vaccine khác ít phản ứng phụ hơn, GS, TS Hiển cho rằng đây là vấn đề vượt ngoài tầm của Bộ vì sử dụng loại chất lượng cao hơn đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn hơn rất nhiều. Trong khi đó, Quinvaxem hiện nay được Việt Nam và các tổ chức thế giới công nhận là an toàn nên vẫn tiếp tục sử dụng loại này.

Trẻ tiêm Quinvaxem đạt 75%

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, cho biết đợt tiêm vaccine Quinvaxem trong tháng 11 trên địa bàn thành phố kéo dài từ ngày 24 đến 29-11 đã ghi nhận hơn 6.000 trẻ được đưa đến trạm y tế tiêm chủng. Dự kiến đợt này sẽ tiêm cho 8.000 trẻ. Tỷ lệ trẻ tiêm Quinvaxem đạt 75% được đánh giá là tương đối thấp so với kế hoạch. Nguyên nhân do một số phụ huynh còn lo ngại chất lượng vaccine nên trì hoãn việc tiêm chủng.

Trong đợt tiêm này đã có 22 trẻ phản ứng sưng đau, sốt sau tiêm được đưa đến các cơ sở y tế điều trị. Tính đến chiều 29-11, tất cả các trường hợp trên đều đã xuất viện, ổn định sức khỏe.

Mặc dù chưa hoàn toàn yên tâm với việc tiêm vaccine theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nhưng số lượng trẻ được tiêm dịch vụ cũng không vì thế tăng hơn những tháng trước. Cụ thể trong tuần từ ngày 24 đến 29-11, có 300 trẻ tiêm dịch vụ, ngang bằng số lượng với những tháng trước đó.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.