Gan là cơ quan có nhiều chức năng quan trọng, trong đó có chức năng tích lũy và chuyển hóa các chất béo. Gan nhiễm mỡ (GNM) là sự tích lũy bất thường Triglycerid trong tế bào gan (TBG) > 5% trọng lượng gan hoặc quan sát dưới kính hiển vi thấy > 5% TBG chứa mỡ.
Sinh lý bệnh
- Giảm sự oxy hóa acid béo trong TBG (thường do rối loạn chức năng của ty lạp thể).
- Gia tăng tổng hợp acid béo trong gan, hoặc tăng lượng acid béo đến gan từ các mô mỡ, từ lượng mỡ ở ruột gia tăng, nhất là sau khi ăn quá nhiều chất béo động vật.
- Thiếu sự kết hợp hay bài xuất triglyceride, cũng như VLDL (very low density lipoprotein).
Phân loại
- Theo nguyên nhân: Gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).
- Theo mô học: Gan nhiễm mỡ đơn thuần (Steatosis) và viêm gan nhiễm mỡ (Steatohepatitis).
- Loại nhẹ: Hàm lượng mỡ chiếm 5-10% trọng lượng gan, hay 5-10% TBG chứa hạt mỡ.
- Loại vừa: Hàm lượng mỡ chiếm 10-25% trọng lượng gan, hay 10-25 % TBG chứa hạt mỡ.
- Loại nặng: Hàm lượng mỡ chiếm trên 30% trọng lượng gan, hay hơn 30% TBG chứa hạt mỡ.
Các nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ
Mãn tính:
• Nghiện rượu, bia.
• Béo phì trẻ em và người lớn.
• Tiểu đường type II.
• Tăng lipid máu.
• Thiếu dinh dưỡng - protein năng lượng, nhịn đói.
• Nuôi ăn qua đường tĩnh mạch kéo dài.
• Phẫu thuật nối Hồi Hỗng tràng (trong điều trị béo phì).
• Những rối loạn di truyền về oxy hóa acid béo ở ty lạp thể.
• Các bệnh viêm gan siêu vi B, C, bệnh Wilson.
Cấp tính:
• Gan nhiễm mỡ trong thai kỳ.
• H/C Reye.
• Bệnh ói mửa Jamaica do trẻ em ăn quả Akee sống.
• Các chất độc dạng hợp chất (carbon tetrachloride, trichloroethylene, phosphorus, fialuridine).
• Thuốc Tetracycline, Valproic acid, Piroxicam, Amiodarone, Glucocorticoids, Tamoxifen, Methotrexate, Salicylates.
Dấu hiệu bệnh
- Nhẹ: Phần lớn không có triệu chứng, chỉ phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Có thể biểu hiện mệt mỏi, khó chịu vùng thượng vị (P), tức hai hạ sườn, đầy bụng.
- Nặng: Vàng da mắt, đau bụng, buồn nôn, nôn, gan to nhẹ. Ở những bệnh nhân GNM do những nguyên nhân khác nhau có kèm theo những triệu chứng toàn thân và dấu hiệu đặc trưng của những nguyên nhân đó.
Biến chứng
Mỡ là chất gây độc cho TBG có thể trực tiếp làm chết TBG theo chương trình hoặc gián tiếp làm TBG nhạy cảm với một số chất độc khác, mỡ gây viêm nhiễm hoại tử TBG, rối loạn vi tuần hoàn ở gan, kích thích tiến trình xơ hóa.
* Gan nhiễm mỡ đơn thuần, nếu điều trị tích cực, loại bỏ nguyên nhân, tiên lượng lành tính.
* Viêm gan nhiễm mỡ có thể gây xơ gan (# 20%), suy gan, HCC, tử vong.
Điều trị
- Kiêng bia, rượu, nếu là GNM do rượu thì có thể sẽ mất sau 1 - 4 tuần.
- Chế độ ăn: Hạn chế ăn thực phẩm giàu cholesterol như da và nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, hạn chế đường.
Nên ăn nhiều rau (tối thiểu 300 gam/người/ngày) như cải xanh, rau cần tây, rau diếp cá, rau ngót. Quả chín tươi (200 gam/người/ngày) lưu ý các loại quả chanh, cam, quýt, bưởi. Một số thức ăn có thể xem là “thuốc” giảm mỡ như dầu đậu nành, đậu phụng, nấm hương, nhộng tằm, lá trà, lá sen, hoa hòe, bắp chuối, bắp ngô. Không nên ăn tối quá khuya (sau 19 giờ). Khoảng cách bữa ăn tối trước khi đi ngủ khoảng 3 tiếng đồng hồ.
- Luyện tập thể dục 30 phút/ngày, đi bộ, thể thao.
- Điều trị các rối loạn chuyển hóa: tiểu đường (Metformin), tăng Lipid máu (Statin,Omega 3), béo phì, các bệnh viêm gan siêu vi C...
- Ngưng ngay các thuốc độc cho gan, gây tích lũy mỡ trong gan, thay các thuốc an toàn hơn theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Phòng bệnh
- Chế độ ăn uống hợp lý.
- Luyện tập cơ thể thường xuyên.
- Kiêng bia, rượu.
- Dùng thuốc phải theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Khám sức khỏe định kỳ.
Bác sĩ NGÔ THỊ MINH HÀ
(Phòng khám viêm gan - BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng)