Hơn 4 năm triển khai, Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020 (Đề án 52) đã mang lại nhiều niềm vui cho người dân, góp phần ổn định mức sống và nâng cao chất lượng dân số các phường ven biển.
Bà Nguyễn Thị Xuân - Chi Cục trưởng Chi Cục DS-KHHGĐ thành phố Đà Nẵng tặng quà cho các gia đình ngư dân bám biển. |
Việc triển khai thực hiện Đề án 52 tại 18 phường ven biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Các ngư dân miền biển vừa là chủ thể thực hiện, vừa là đối tượng được hưởng lợi. Đề án không chỉ hướng tới mục tiêu giảm sinh mà còn giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, tỷ lệ nạo phá thai… Chất lượng dân số, nguồn nhân lực được cải thiện, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Trong thời gian qua, hơn 20.000 lượt phụ nữ được cung cấp những thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Ngoài ra, Đề án còn xây dựng thành công các mô hình tư vấn về chăm sóc SKSS của 18 CLB cho nhóm đối tượng từ 15-24 tuổi và bà mẹ mang thai, xây dựng CLB “nam ngư dân”, tạo điều kiện để nam giới nhận thức đúng đắn hơn về chăm sóc SKSS và kế hoạch hóa gia đình.
Tại phường Thanh Khê Đông, Đề án 52 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về công tác dân số của phường, người dân đã được hưởng các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đồng bộ và hiệu quả. Số người tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng, mức sinh giảm và chất lượng dân số được cải thiện đáng kể. Bà Hồ Thị Thúy Vân, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Sơn Trà, cho rằng để có được thành công trong công tác dân số, rất cần sự đồng hành của các cấp, các ngành, đoàn thể cũng như sự ủng hộ của người dân. Để người dân vùng biển hiểu rõ được các biện pháp tránh thai hiện đại thì phải tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” chứ không thể tuyên truyền theo kiểu “phong trào”. Vì vậy, quận luôn chú trọng công tác tuyên truyền cho các nam ngư dân thường xuyên đi biển xa nhà và truyền thông nhóm cho đối tượng phụ nữ, chú trọng phụ nữ từ 15-24 tuổi chưa kết hôn. Những thách thức và trở ngại chính là việc nâng cao chất lượng nhân lực cho các phường ven biển, vì dân trí và nhận thức của nhân dân còn hạn chế so với mặt bằng chung. Tâm lý sinh nhiều con, đặc biệt là con trai (đáp ứng nhân lực lao động) còn cao…
Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, bảo đảm cho người dân được tư vấn đầy đủ và thuận lợi về KHHGĐ và sức khỏe sinh sản, làm sao để người dân có ý thức và chủ động quyết định thời điểm sinh con, khoảng cách giữa hai lần sinh trên cơ sở được cung cấp các thông tin, đồng thời được hưởng các dịch vụ an toàn, thuận tiện và hiệu quả là rất quan trọng.
Kinh tế biển có vị trí quan trọng trong nền kinh tế chung của đất nước. Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm và tạo điều kiện cho kinh tế biển phát triển. Do đó, để kinh tế biển phát triển đúng tầm, vấn đề đáp ứng nguồn nhân lực phải đặt lên hàng đầu và đây là một trong những trách nhiệm của ngành dân số.
Công tác dân số vùng biển, ven biển và hải đảo phải thực sự được coi là nhiệm vụ mang tính chiến lược, dân cư vùng biển vừa là chủ thể thực hiện, vừa là đối tượng thụ hưởng. Chính họ là đòn bẩy phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ tại vùng biển, đảo và ven biển. Xuất phát từ vị trí quan trọng của cư dân biển nên những năm qua, lãnh đạo thành phố và ngành chức năng luôn chú trọng nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có sự quan tâm đầu tư cụ thể để người dân vùng biển đảo và ven biển được chăm sóc tốt, toàn diện về giáo dục, y tế và phát triển kinh tế.
Bài và ảnh: MAI KHUÊ