.

Tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai

.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trong thời gian tới là đẩy mạnh tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai (PTTT) nhằm bảo đảm tính bền vững của các chương trình DS-KHHGĐ.

Một chiến dịch truyền thông dân số của huyện Hòa Vang.
Một chiến dịch truyền thông dân số của huyện Hòa Vang.

Theo ước tính, năm 2015 tại Việt Nam, số phụ nữ trong độ tuổi có khả năng mang thai lên tới 27 triệu người và duy trì đến năm 2023. Nước ta đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nếu chúng ta không thực hiện tốt tiếp thị xã hội các PTTT, nguy cơ mang thai ngoài ý muốn ngày càng tăng, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, tăng chi phí sử dụng dịch vụ y tế, chất lượng nguồn lực sẽ giảm sút.

Từ thực tế đó, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hòa Vang đã nắm bắt kịp thời và phối hợp với Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ của 11 xã triển khai hoạt động tiếp thị xã hội các PTTT đến cộng đồng, xem đây là giải pháp quan trọng vừa góp phần ổn định mức sinh, vừa tạo cho người dân ý thức chủ động lựa chọn sản phẩm phòng tránh thai.

Hòa Vang là huyện thuần nông, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, số phụ nữ sinh mổ chiếm 42% và mắc bệnh phụ khoa cao, ảnh hưởng đến việc thực hiện dịch vụ KHHGĐ. Để hoàn thành các chỉ tiêu dân số, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND các giải pháp cụ thể như: tập trung tuyên truyền công tác dân số qua các phương tiện thông tin đại chúng; đề xuất ngân sách hỗ trợ 50% cho đối tượng đăng ký thực hiện mô hình que cấy tránh thai tiếp thị xã hội; cung cấp kịp thời và giới thiệu các PTTT chất lượng và xem đây là yếu tố quyết định giúp các cặp vợ chồng tránh mang thai ngoài ý muốn, giảm tỷ lệ nạo phá thai, bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Hồ Tấn Lợi, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hòa Vang chia sẻ, với sự điều hành quyết liệt của UBND huyện, sự hướng dẫn chuyên môn của Chi cục DS-KHHGĐ thành phố, cùng với vai trò tham mưu của Trung tâm Dân số và đội ngũ chuyên trách của 11 xã, trong những tháng đầu năm 2014, việc tiếp thị xã hội các PTTT của huyện đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch. Đặc biệt, về tiếp thị xã hội que cấy tránh thai đã hoàn thành vượt chỉ tiêu 106,5% kế hoạch cả năm nay (66/62 que cấy tránh thai). Đây là tín hiệu đáng mừng vì vào thời điểm này năm ngoái, huyện Hòa Vang không đạt kế hoạch.

Thành công khi thực hiện được một que cấy tránh thai quả là vấn đề nan giải của người làm công tác dân số, vì với giá thành đã được trợ giá 900.000 đồng/que, không phải người dân nào cũng có thể thực hiện được. Chị Nguyễn Thị Thu Loan, cán bộ chuyên trách dân số xã Hòa Liên, cho biết trong quá trình triển khai thực hiện tiếp thị xã hội PTTT, xã Hòa Liên đã tập trung rà soát, nắm chắc danh sách đối tượng; kiên trì tuyên truyền, vận động; nêu những ưu điểm, lợi ích của việc sử dụng que cấy vừa hiệu quả an toàn, vừa có điều kiện chăm sóc bản thân, gia đình và sức khỏe để phát triển kinh tế... Trung tâm DS-KHHGĐ kết  hợp với Trung tâm Y tế Hòa Vang mời bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản - Nhi và Trung tâm Y tế Cẩm Lệ về làm dịch vụ kỹ thuật tại khoa sản của bệnh viện, góp phần giải quyết khó khăn trong việc đi lại của người dân khi thực hiện cấy que tránh thai. Vì vậy, xã Hòa Liên đã hoàn thành được 8/8 ca cấy.

Để đẩy mạnh chất lượng công tác tiếp thị PTTT, việc đa dạng hóa loại hình chủng loại, nâng cao chất lượng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài ra, giá thành sản phẩm cũng cần linh động hơn, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số tham gia tiếp thị cần được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực theo định kỳ. Đặc biệt, việc đẩy mạnh truyền thông về lĩnh vực này cũng cần được tổ chức thường xuyên và sâu rộng hơn.

Với các nỗ lực, việc triển khai nhiệm vụ tiếp thị xã hội các sản phẩm tránh thai tại Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả khả quan. Người dân ngày càng nâng cao ý thức và tự giác chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại, góp phần ổn định tình hình dân số, nâng cao chất lượng sống trong mỗi gia đình.

Bài và ảnh: MINH PHÚC

;
.
.
.
.
.