Tại các nước phát triển, nước ngọt và thức ăn nhanh được tiêu thụ hạn chế. Vì vậy, các tập đoàn thức ăn nhanh và nước ngọt có gaz đang luồn “bàn tay” của mình đến các nước đang phát triển.
Chế độ thực phẩm giàu chất béo, đường, muối đang khiến thế hệ trẻ mặc dù cao hơn, béo hơn nhưng lại có tuổi thọ thấp hơn cha mẹ. (Ảnh mang tính minh họa) |
Tại các nước đang phát triển, người dân chưa hiểu uống nước ngọt đồng nghĩa với đổ lượng lớn “đường lỏng” xuống cổ. Và thức uống ngọt ngào trong một chai nước có thể đưa lượng đường trong cơ thể vượt quá 40% mức cần thiết.
Nỗi xấu hổ mang tên thức ăn nhanh
Theo bà Lana Hebden, chuyên gia dinh dưỡng Trường Y khoa Sydney (Úc), việc giảm lượng tiêu thụ thức ăn nhanh và nước ngọt được xem là trọng tâm trong chiến lược dinh dưỡng y tế cộng đồng quốc tế. Các phụ huynh ở nhiều nước phát triển đang được tuyên truyền và khuyến khích sử dụng thực phẩm tươi sống, kết hợp cùng sữa và nước trái cây trong khẩu phần ăn của con. Đây là cách thế giới đang làm để chống lại nạn béo phì, tiểu đường, suy tàn nòi giống. Thế nhưng, tại Việt Nam, khi cửa hàng McDonald’s đầu tiên được khai trương tại thành phố Hồ Chí Minh vào đầu năm 2014, hàng ngàn bạn trẻ đã xếp hàng dưới nắng nóng, thậm chí đến ngất xỉu, chỉ để được thưởng thức loại thực phẩm này.
Dạo quanh các tiệm thức ăn nhanh trên địa bàn Đà Nẵng, rất dễ dàng thấy phụ huynh lựa chọn những chiếc đùi gà lăn bột chiên vàng với đầy đủ các khẩu vị chua, cay cùng ly nước ngọt lớn làm bữa ăn chiều cho con. Nhẫn nại đợi nhân viên cửa hàng chiên lại khẩu phần ăn, bà Tuyết - một phụ huynh - vui vẻ khoe: chỉ có “trọn bộ” đồ ăn nhanh cùng nước ngọt mới giúp con trai bà hào hứng và trụ được qua hai suất học thêm để đợi được đến bữa tối. “Mặc dù thức ăn nhanh hơi đắt so với những thực phẩm khác nhưng nhìn con vui vẻ ăn thì mình cũng vui lây”, bà Tuyết mỉm cười nhìn con trai đang tận hưởng từng ngụm nước ngọt.
Trò chuyện với anh N. - Trưởng phòng quản lý một cửa hàng thức ăn nhanh tại Đà Nẵng, anh cho biết, hầu hết thức ăn nhanh là đồ chiên rán, cay nóng, ăn kèm với tương ớt. Vị cay kích thích cảm giác ngọt miệng, hơi nóng thúc đẩy nhu cầu uống nước ngọt có đá. Khí gaz trong nước ngọt lại tạo cảm giác nhanh tiêu, kích thích người ăn tiếp tục tiêu thụ thức ăn chiên rán. Nước ngọt có gaz và thức ăn nhanh là sự kết hợp hoàn hảo. Vì vậy, việc “bắt tay” giữa các hãng thức ăn nhanh cùng nước ngọt đã là điều mặc nhiên trên thế giới hằng chục năm nay. “Ngon miệng là điều không thể chối cãi nhưng tác hại khôn lường khi sử dụng quá nhiều nước ngọt cùng đồ ăn nhanh cũng là điều tôi hy vọng các bạn trẻ và các bậc phụ huynh sớm nhận ra”, anh N. nói.
Sức tàn phá khủng khiếp
Trường hợp của William Kennewell, một công dân Úc, rụng toàn bộ hàm răng và buộc phải mang răng giả khi mới 25 tuổi đã khiến cả xứ sở chuột túi giật mình nhìn lại tác hại của thức uống ngọt ngào này. Trong một nghiên cứu của Đại học Sydney (Úc), hầu hết bé trai nghiện nước ngọt và thức ăn nhanh, gia đình các em thường có nền tảng kinh tế thấp. Điều này đã buộc chính phủ Úc quy định tất cả các hãng đồ ăn nhanh phải ghi rõ hàm lượng năng lượng trên mỗi hộp thực phẩm và nước ngọt tại cửa hàng. Các trường học tại Úc đang được khuyến khích cấm bán nước ngọt trong khuôn viên. Bên cạnh đó, những bản tin, những cuộc tuyên truyền quy mô lớn đã không ngừng được phát động…
Theo báo cáo của Ủy ban thực phẩm Úc, nước ngọt không chỉ có chức năng giải khát mà còn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ em. Một chế độ thực phẩm giàu chất béo, đường và muối đang khiến cảnh báo “Thế hệ trẻ hôm nay mặc dù cao hơn, béo hơn nhưng lại có tuổi thọ thấp hơn cha mẹ - sự đảo chiều lần đầu tiên diễn ra trong vòng 100 năm qua” đang dần trở thành hiện thực.
Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đà Nẵng Trần Thị Khánh Ngọc cho biết, nước ngọt chứa lượng đường quá mức, không hề có giá trị dinh dưỡng khiến người sử dụng dễ bị tăng cân với tốc độ nhanh. Bên cạnh đó, đồ uống có gaz chứa nhiều chất phụ gia, chất tăng vị và acid hữu cơ... có khả năng ăn mòn rất mạnh, làm hỏng lớp bảo vệ bề mặt men răng, về lâu dài sẽ xuất hiện triệu chứng đau răng lợi và các bệnh răng miệng khác, đồng thời gây nguy hại cho tủy răng. Nước ngọt còn có chứa phốt phát, một chất có thể làm cạn kiệt lượng canxi trong máu. Điều này làm cấu trúc xương của chúng ta bị yếu đi và dễ bị chấn thương.
Cũng theo bác sĩ Trần Thị Khánh Ngọc, sự thay đổi hành vi của một bộ phận thiếu niên ngày nay đang theo chiều hướng tiêu cực như hung hăng, thích bạo lực. Ngoài những nguyên nhân xã hội của hành vi này còn có yếu tố của dinh dưỡng (các món ăn chế biến sẵn và nước giải khát có gaz). Các công trình nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh cafein và đường trong nước ngọt ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của các em vị thành niên.
Tuy nhiên, tác hại trên của thức ăn nhanh và nước giải khát có gaz vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của người Việt Nam. Những lon nước ngọt in hình các tên gọi phổ biến được giới trẻ tích cực hưởng ứng và tiêu thụ. Người đưa thương hiệu thức ăn nhanh McDonald’s về Việt Nam, ông Nguyễn Bảo Hoàng, nuôi hy vọng mở 100 cửa hàng McDonald trải rộng khắp dải đất hình chữ S trong vòng 10 năm đến. “Mong rằng, người Việt, thanh niên Việt sẽ lý trí, tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn thực phẩm sử dụng, đừng chạy theo trào lưu, đừng “sính ngoại” vừa hại sức khỏe, vừa trở thành nỗi xấu hổ mang tên Việt Nam”, bác sĩ Ngọc nhắn nhủ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay có khoảng 1 tỷ người trên thế giới bị thừa cân, phần nhiều ở các nước đang phát triển. Trong số này có khoảng 300 triệu người được coi là béo phì. Ở Việt Nam, số lượng trẻ em, nhất là trẻ vị thành niên thừa cân và béo phì đang gia tăng nhanh chóng, tác nhân gây tình trạng này có thể là những món ăn nhanh nhiều dầu mỡ và những lon nước ngọt có gaz. |
MAI TRẦN