.

Bệnh sốt xuất huyết Ebola

.

Bệnh virus Ebola (EVD,  Ebola virus disease) hay còn gọi là sốt xuất huyết Ebola - tên gọi của bệnh trên người bị nhiễm virus Ebola. EVD là một bệnh nhiễm trùng nặng, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 90%. Virus được đặt theo con sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi dịch bệnh bùng phát lần đầu vào năm 1976.

Một đại dịch mới

Từ năm 1976 - 2012, các đợt dịch Ebola chủ yếu tập trung ở các quốc gia Trung và Đông Phi, như: CHDC Congo, Sudan, Gabon, Uganda. Năm 1976, tại Cộng hòa Dân chủ Congo có 280 trường hợp tử vong trong số 318 trường hợp mắc bệnh, chiếm 88%. Năm 2014 đã có 729 người chết trong số 1.323 trường hợp ghi nhận. Như vậy, con số tử vong do Ebola năm 2014 cao gấp hơn 4 lần năm 1976.

 Trước đây, dịch chỉ xảy ra ở một khu vực xa xôi. Hiện nay, virus Ebola đã phát tán ở cả thành thị và nông thôn các nước Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria; đang vượt khỏi tầm kiểm soát khiến nhiều quốc gia và các tổ chức y tế hàng đầu báo động. Việt Nam hiện đang diễn tập phòng chống bệnh dịch này và Chính phủ chỉ đạo sát sao ngành y tế, hải quan… đặc biệt lưu ý.

Tác nhân gây bệnh

 Virus Ebola là một trong ba giống thuộc họ Filoviridae family (filovirus), cùng với Marburgvirus và Cuevavirus. Ebolavirus bao gồm 5 chủng khác nhau: Zaire ebolavirus (EBOV); Sudan ebolavirus (SUDV); Bundibugyo ebolavirus (BDBV); Tai Forest ebolavirus (TAFV) và Reston ebolavirus (RESTV). Trong đó BDBV, EBOV, và SUDV đã từng gây dịch lớn tại châu Phi, trong khi RESTV và TAFV chưa gây dịch.

Trung gian truyền bệnh

Nguồn gốc của virus Ebola chưa được xác định rõ, song loài dơi ăn quả Pteropodidae ở châu Phi được coi là vật chủ tự nhiên của virus này. Tuy nhiên, chỉ có người và động vật linh trưởng (khỉ, khỉ đột, đười ươi, tinh tinh…) mới là vật chủ để virus này gây bệnh. Virus này hiện diện trong máu và các dịch tiết (phân, nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, tinh dịch…) của loài động vật linh trưởng này. Con người bị lây khi tiếp xúc với những con vật bị chết mà không có biện pháp bảo hộ thích hợp. Ngoài ra, người ta cũng ghi nhận một số người bị lây nhiễm do tiếp xúc hoặc ăn uống thịt các thú rừng bị bệnh hoặc chết như: nhím, linh dương, mặc dù những loài thú này không phải là vật chủ của virus Ebola.

Hiện nay, y tế thế giới khẳng định việc lây truyền từ người sang người xảy ra qua 3 con đường chính sau:

-  Da hoặc niêm mạc miệng, má, mũi, đường tiêu hóa, đường sinh dục bị trầy xước tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết của bệnh nhân.

-  Da hoặc niêm mạc miệng, má, mũi, đường tiêu hóa, đường sinh dục bị trầy xước tiếp xúc trực tiếp với môi trường xung quanh đã bị nhiễm bẩn bởi dịch tiết của bệnh nhân như quần áo, chăn màn, drap trải giường, kim tiêm…

-  Nghi lễ chôn cất hoặc tẩm liệm người chết vì bệnh Ebola mà có tiếp xúc trực tiếp với thi thể cũng có thể làm lây bệnh từ người sang người.

Lâm sàng

Người nhiễm virus Ebola có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày. Các triệu chứng ban đầu bao gồm: sốt, suy nhược cơ thể, đau cơ, đau đầu, đau họng dễ bị nhầm lẫn với bệnh cúm thông thường.

- Hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng: Đau đầu dữ dội, tình trạng kích động, lú lẫn, mệt mỏi, trầm cảm, co giật và đôi khi hôn mê.

- Hệ thị giác với các dấu hiệu nổi bật nhất là phù nề và viêm kết mạc.

- Hệ tiêu hóa: Buồn nôn, chán ăn, đau bụng, nôn ra máu, đi cầu phân đen.

- Hệ hô hấp: Được đặc trưng bởi viêm họng với đau họng, ho, khó thở.

- Hệ tiết niệu: Đái ra máu, thiểu niệu, vô niệu.

- Biểu hiện trên da có thể bao gồm: Phát ban đốm diện rộng, đốm xuất huyết, xuất huyết ban, các vết bầm máu, và máu tụ.

- Hệ tuần hoàn: Xuất huyết, rối loạn đông chảy máu, đông máu rải rác nội mạch, sốc mất máu. Dẫn đến suy đa tạng.

Cận lâm sàng

Xét nghiệm phát hiện căn nguyên: Tìm kháng nguyên, kháng thể, PCR và nuôi cấy virus. Bệnh phẩm sử dụng để chẩn đoán là máu được bảo quản trong môi trường vận chuyển và tuân theo quy định an toàn vận chuyển virus lây truyền qua đường máu.

Chẩn đoán

Có yếu tố dịch tễ trong vòng 3 tuần trước khi khởi phát triệu chứng:

- Tiếp xúc với máu hay dịch cơ thể của bệnh nhân được xác định hoặc nghi nhiễm Ebola. Sống hay đi tới vùng dịch Ebola đang lưu hành. Trực tiếp xử lý, tiếp xúc với dơi, chuột hoặc động vật linh trưởng từ các vùng dịch tễ.

- Có triệu chứng lâm sàng: Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, suy nhược cơ thể, đau cơ, đau đầu, đau họng dễ bị nhầm lẫn với bệnh cúm thông thường. Tuy nhiên sau đó, người nhiễm bệnh sẽ nhanh chóng xuất hiện biểu hiện nôn mửa, tiêu chảy, phát ban và suy giảm chức năng gan thận. Các triệu chứng xuất huyết bao gồm xuất huyết nội và ngoại như nôn ra máu, ho ra máu.

- Xét nghiệm phát hiện căn nguyên: Tìm kháng nguyên, kháng thể, PCR và nuôi cấy virus.

Điều trị

Thế giới chưa có kháng thể điều trị sốt Ebola, chưa có điều trị đặc hiệu. Hiện nay, ngay cả các nước có nền y học tiên tiến vẫn chủ yếu là điều trị hỗ trợ, và đây là điều làm cho WHO (Tổ chức Y tế thế giới – LHQ) và mọi nước đều cảm thấy lo lắng. Việc xác định đây là một đại dịch không còn là lời cảnh báo xa xôi, gần 1.000 người chết thời gian qua, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm cao đang làm cho các chính phủ quan tâm đặc biệt. Bệnh nhân nghi ngờ đều phải được khám tại bệnh viện, cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán bệnh.

 Phòng ngừa

- Đối với những người đến hoặc quá cảnh từ vùng có dịch (các nước Tây Phi) trong vòng 3 tuần lễ cần được lưu ý đến khả năng mắc bệnh Ebola khi có những triệu chứng ban đầu: sốt, ho thông thường và nên được đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, chăm sóc và cách ly thích hợp để tránh lây lan.

- Đối với những trường hợp có người thân bị sốt nghi ngờ do Ebola, chúng ta nên rửa tay bằng xà phòng ngay sau khi chạm vào bệnh nhân hoặc đồ đạc xung quanh họ. Không nên ăn thịt rừng. Nên nấu chín thật kỹ thức ăn có nguồn gốc từ động vật. Tình dục an toàn: sử dụng bao cao su…

Những bệnh nhân đã chết vì Ebola nên được xử lý cẩn thận và sử dụng găng tay, khẩu trang, nón bảo hộ và nên chôn cất ngay lập tức.

Trước diễn biến phức tạp của cơ chế lây nhiễm và mức độ tử vong lớn khi lây nhiễm, chúng ta chủ động ứng phó. Nguyên tắc là bảo đảm vệ sinh và sinh hoạt hoạt cá nhân lành mạnh. Những biện pháp mà thành phố triển khai theo kịch bản phòng chống, chủ yếu là kiểm soát du khách từ nước ngoài, đặc biệt từ những vùng có bệnh là cách tích cực phòng chống căn bệnh, mà nhiều người cho rằng sẽ là một đại dịch tương tự như AISD/HIV.

Ths, BS NGUYỄN MINH TUẤN

(Theo tài liệu của WHO)

;
.
.
.
.
.