.

Phòng bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa

.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Theo đó, UBND các quận, huyện chủ động phối hợp với ngành y tế triển khai ngay các biện pháp phòng bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp, bệnh tả...

Sở Y tế có trách nhiệm tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, nhất là bệnh tiêu chảy cấp, nhằm phát hiện sớm, chủ động xử lý các ổ dịch không để bùng phát; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch; hỗ trợ tuyến dưới khống chế ổ dịch và cấp cứu, điều trị khi cần thiết; rà soát trang thiết bị, thuốc, vật tư; sẵn sàng cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa; bố trí khu vực điều trị riêng, bảo đảm thực hiện tốt việc phòng chống nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo tại các cơ sở điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ tử vong; thường xuyên kiểm tra chất lượng nước dùng cho việc ăn uống và sinh hoạt bảo đảm nồng độ Clo dư luôn đạt 0,3-0,5mg/lít tại vòi sử dụng; đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn thực phẩm…

UBND thành phố yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng tăng cường các giải pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch cho các khu vực dân cư, đặc biệt là các khu di dân, nhà tạm, khu vực nông thôn, khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường thấp, khu vực trước đây đã ghi nhận các ổ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả; bảo đảm duy trì nồng độ Clo dư luôn đạt 0,3-0,5mg/lít tại vòi sử dụng…

QUỐC DŨNG

;
.
.
.
.
.