.
Sức khỏe của bạn

Bệnh trĩ

.

Bệnh trĩ là bệnh đường tiêu hóa rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến nhập viện. Vì tỷ lệ mắc bệnh trĩ khá cao nên dân gian có câu ví “thập nhân cửu trĩ” (mười người chín trĩ). Thống kê y học cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh trĩ khá cao, chiếm tới 30-50% ở người lớn tuổi.

Sơ đồ phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp Longo
Sơ đồ phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp Longo

Đa số bệnh nhân mắc trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm vì hai lý do chính: một là, tuy bệnh trĩ có ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, nhưng vì thường không quá nặng nên bệnh nhân thường ít quan tâm hoặc bỏ qua. Hai là, trĩ nằm ở vùng “nhạy cảm”, kín đáo nên rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt là phụ nữ rất ngại đi thăm khám hay tư vấn.

Hai nhóm nguyên nhân làm dễ phát sinh bệnh trĩ là: Các bệnh đường ruột như bị táo bón, ỉa chảy kéo dài, hội chứng lỵ, viêm đại tràng, ăn nhiều chất cay, bia rượu…; một số nghề nghiệp phải ngồi nhiều, đứng lâu như thợ may, nhà báo, lái tàu…

Cần lưu ý, bệnh trĩ là bệnh lý đưa đến dãn tĩnh mạch và sa niêm mạc trực tràng. Do đó, trĩ cũng có thể là triệu chứng biểu hiện của bệnh khác như ung thư trực tràng, có thai chèn ép, xơ gan, cổ trướng.…Vì vậy, bác sĩ trước khi điều trị bệnh trĩ cần thăm khám lâm sàng cẩn thận và nội soi trực tràng. Một sai lầm thường mắc phải là cắt trĩ cho các bệnh nhân bị ung thư trực tràng.

Hai triệu chứng thường gặp là chảy máu đỏ tươi và sa trĩ khi đại tiện.

Hai loại trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại, được phân chia qua ranh giới là đường răng lược, trĩ nội khi những búi trĩ nằm trên đường răng lược và trĩ ngoại khi những búi trĩ nằm ngoài đường răng lược, được phủ bởi da.

Theo mức độ búi trĩ, trĩ nội còn được chia thành 4 độ: độ 1 trĩ chỉ to trong lòng ống hậu môn, khi đại tiện trĩ không sa ra ngoài; độ 2 búi trĩ sa ra ngoài hậu môn khi đi đại tiện, sau đó tự co lên; độ 3 búi trĩ sa ra ngoài hậu môn khi đi đại tiện, sau đi ngoài phải lấy tay đẩy búi trĩ vào hậu môn và độ 4 búi trĩ sa thường xuyên ở ngoài hậu môn hoặc đẩy vào hậu môn khó, khi đi lại hoặc gắng sức búi trĩ dễ tụt ra ngoài hậu môn.

Biến chứng của bệnh trĩ: trĩ ngoại có thể gây tắc mạch; trĩ nội sa, nghẹt, tắc mạch.

Điều trị bệnh trĩ

Bệnh trĩ có thể điều trị bằng phương pháp nội khoa, thủ thuật hay phẫu thuật. Bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định điều trị tùy theo giai đoạn phát triển của bệnh, theo hoàn cảnh và nguyện vọng của bệnh nhân, cũng như kinh nghiệm của thầy thuốc và trang thiết bị của cơ sở.

- Điều trị nội khoa và thủ thuật: gồm các phương pháp dùng thuốc, cho chích thuốc tạo xơ tắt, thắt vòng cao su…

- Phẫu thuật: thường được xem là phương sách cuối cùng khi các phương pháp nội khoa và thủ thuật nêu trên không hiệu quả. Chỉ định phẫu thuật thường chỉ áp dụng cho các búi trĩ nội độ 3, độ 4, trĩ có huyết khối, trĩ vòng sa và trĩ xuất huyết trầm trọng. Hai loại phẫu thuật được dùng nhiều nhất hiện nay là phẫu thuật bằng phương pháp Milligan Morgan và Longo.

 Phẫu thuật Milligan Morgan: nguyên tắc phẫu thuật này là cắt riêng biệt từng búi trĩ, để lại ở giữa các búi trĩ các cầu da-niêm mạc. Nhược điểm  là đau nhiều sau mổ, thời gian nằm viện dài, thời gian trở lại lao động muộn và thường không hiệu quả trong các trường hợp trĩ vòng.   

Phẫu thuật cắt trĩ Longo: là phẫu thuật mới hơn, sử dụng máy khâu vòng để cắt một khoanh niêm mạc trên đường lược khoảng 2-3cm và khâu vòng bằng máy bấm. Nguyên tắc của phẫu thuật này là cắt và khâu khoanh niêm mạc, nhằm mục đích giảm lưu lượng máu đến đám rối tĩnh mạch trĩ vốn bị dãn phồng, nhờ đó thu nhỏ thể tích các búi trĩ và bảo tồn khối đệm hậu môn. Phương pháp này hiện nay rất được ưa chuộng vì ít đau, thời gian nằm viện ngắn, nhanh lành bệnh, bệnh nhân lao động trở lại sớm hơn.

BS CKI LÊ VĂN TẦM

Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.