.
Sức khỏe của bạn

Đánh giá đúng Cholesterol: công và tội?

.

Với hai căn bệnh “thế kỷ” là béo phì và đái tháo đường, những chuyên gia đã chỉ rõ có hai nhóm nguyên nhân là “cải tạo được” (modifiable) và “không cải tạo được” (unmodifiable) và hãy nên chú tâm vào nhóm đầu.

Cần ăn đủ 4 thành phần của Ô vuông thức ăn (Design TBT)
Cần ăn đủ 4 thành phần của Ô vuông thức ăn (Design TBT)

Thừa Cholesterol, mỡ máu và béo phì

Hiện nay, béo phì đã trở thành một vấn nạn toàn cầu, tác động trực tiếp đến chất lượng dân số của mọi quốc gia. Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia, học sinh 9-11 tuổi, tỷ lệ béo phì trung bình 7%, có trường hợp cá biệt lên tới 40%; người lớn, tuổi 30-40, tỷ lệ béo phì ở nam là 11%, ở nữ là 15%. Do đó, béo phì không còn là bệnh của những nước giàu có, mà nó cũng đã bùng phát rất mạnh tại các nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta.

Người béo phì, ngoài việc tích lũy chất béo trong cơ thể, trong máu các chất béo lưu hành cũng thường có rối loạn tăng lên cao. Ba dạng chất béo lưu hành trong máu là Cholesterol, Triglyceride và Lipid tổng cộng. Riêng Cholesterol có hai dạng: LDL Cholesterol là loại có hại và HDL Cholesterol là loại có lợi. Các rối loạn chuyển hóa Lipid máu có thể là: thừa LDL, thiếu HDL, thừa Triglyceride hay thừa Lipid tổng cộng.

Béo phì và rối loạn chuyển hóa Lipid máu nếu không được kiểm soát và điều trị đúng đắn sẽ có nhiều biến chứng như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh nhồi máu cơ tim, suy nhược sinh dục... Do đó, trong y tế có câu ví von: "Vòng bụng càng to thì vòng đời càng ngắn" (longer the belt shorter the life) hay “Ngày xưa to bụng là sang. Ngày nay to bụng mỡ gan, đái đường”..

Thiếu Cholesterol cũng chết đấy!

Thực phẩm con người sử dụng đa dạng và nhiều chủng loại. Các nhà dinh dưỡng học đã hệ thống lại, xếp thành bốn nhóm trong một “ô vuông thức ăn” gồm: chất đường, bột; chất đạm (thịt); chất béo (dầu, mỡ) và chất khoáng, vitamin.

Theo nguyên lý cơ bản về dinh dưỡng, khẩu phần ăn phải đầy đủ về số lượng và hoàn chỉnh về chất lượng, đủ 4 thành phần của ô vuông thức ăn.

Cholesterol là một thành viên quan trọng của nhóm chất béo. Trong cơ thể con người, Cholesterol có ba chức năng, vai trò quan trọng: một là thành phần cấu tạo ở màng vách của cả tỷ tế bào trong cơ thể, hai là thành phần cấu tạo các sợi trục, dây và rễ của hệ thần kinh trung ương lẫn ngoại biên và ba là chất tiền thân (precursor) để sinh tổng hợp nên các hóc-môn steroid của tuyến thượng thận và tuyến sinh dục, đây là hai tuyến nội tiết vô cùng quan trọng đảm bảo chức năng sống còn và duy trì nòi giống. Do đó, thiếu Cholesterol chắc chắn cơ thể chúng ta không thể tồn tại và vận hành được, và thiếu Cholesterol cũng sẽ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm không thua gì tình trạng thừa Cholesterol.

Hai điều lưu ý với nguy cơ béo phì, rối loạn chuyển hóa Lipid

Về nguyên nhân béo phì có hai nhóm: một là ngoại sinh, do ăn uống quá nhiều, vận động quá ít hoặc cả hai và hai là bệnh lý liên quan như có gien béo phì, nhiễm vi rút béo phì (vi rút Ad-36)... Dạng béo phì “không do ăn uống” thường khó điều trị vì chúng ta không thể tác động vào hệ thống gien của bệnh nhân.

Cholesterol trong cơ thể dẫn từ hai nguồn: một là ngoại sinh, do thức ăn đem vào chỉ chiếm gần 20% nhu cầu cơ thể và hai là nội sinh, được sinh tổng hợp xảy ra ngay trong cơ thể bổ sung đến 80% còn lại. Gan là nơi tổng hợp Cholesterol từ một tiền chất là acetyl-CoA, sản phẩm từ chuyển hóa các chất đường, bột, béo và đạm. Như vậy đã rõ ràng là Cholesterol “nội sinh” mới là nguồn chính, người rối loạn chuyển hóa Lipid máu thường là do tăng Cholesterol “nội sinh” hơn là do ăn nhiều Cholesterol “ngoại lai” vào. Trong thực tế, có nhiều bệnh nhân rất gầy, suy dinh dưỡng nhưng vẫn bị rối loạn chuyển hóa chất béo do yếu tố nội sinh này.

Thay lời kết

Với hai căn bệnh “thế kỷ” là béo phì và đái tháo đường, những chuyên gia đã chỉ rõ có hai nhóm nguyên nhân là “cải tạo được” (modifiable) và “không cải tạo được” (unmodifiable) và hãy nên chú tâm vào nhóm đầu.

Cả béo phì, rối loạn chất béo và đái tháo đường chúng ta cần điều chỉnh, tác động, tích cực lên chế độ ăn và chế độ vận động, tức là thay đổi lối sống (lifestyle); thuốc men là sau cùng.

Hơn nửa thế kỷ trước, bác sĩ Paul Dudley White, người viết 12 cuốn sách và làm hơn 700 đề tài khoa học, cùng các cộng sự ở Đại học Harvard đưa ra luận cứ còn được áp dụng trên toàn thế giới cho đến ngày nay để phòng bệnh nội tiết, tim mạch, đó là chế độ ăn hợp lý và tăng cường vận động chứ không phải uống thuốc và kiêng ăn.

TS, BS TRẦN BÁ THOẠI

BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng
 

;
.
.
.
.
.