.
Câu chuyện dân số

Đừng xem thường... ti-vi!

.

Cháu bé 3,5 tuổi được ba mẹ gửi vào một trường chuyên biệt tại Đà Nẵng với lý do chậm nói. Có điều rất đặc biệt là bé lại... nói tiếng Anh khá tự nhiên!

Chuyện tưởng đùa nhưng lại có thật. Qua tìm hiểu của các giáo viên trực tiếp dạy bé, cháu bị rối loạn ngôn ngữ do xem ti-vi quá nhiều. Đúng ra, ở độ tuổi trên, bé có thể nói câu dài, thậm chí kể được một vấn đề nào đó với người khác. Tuy nhiên, em bé này không nói, kể cả không nói được từng tiếng đơn giản.

Trông bé có gương mặt sáng, thông minh và rất tinh nghịch khi tham gia các trò chơi tập thể, khó hình dung cháu đang là học sinh của một lớp tự kỷ. Các thầy cô cho biết, trường hợp của bé có thể can thiệp tốt, bởi vấn đề chính ở học sinh đặc biệt này chỉ là tình trạng chậm nói.

Từ nhỏ, bé khá hiếu động, nhưng mỗi lúc được xem ti-vi lại ngồi ngoan ngoãn. Thấy vậy, hằng ngày ba mẹ cứ bật ti-vi để con xem… cho yên. “Sống” cùng các kênh hoạt hình nước ngoài chiếm gần như toàn bộ thời gian sinh hoạt của bé. Đến một ngày, ba mẹ nhận ra con mình thờ ơ với những hoạt động diễn ra xung quanh. Bé chỉ biết ti-vi và ti-vi. Bên cạnh đó, bé không muốn nói chuyện với mọi người, kể cả ba mẹ. Với những từ đơn giản, bé cũng không thể phát âm, nhưng nhìn vào bảng chữ cái hoặc diễn đạt một vài ý nào đó, bé lại thốt ra những câu, từ bằng tiếng Anh. Qua 3 tháng học tại trường chuyên biệt, bé bắt đầu nói được tiếng đơn và tập dần tiếng đôi.

Trường hợp trên không phải là hiếm gặp đối với các giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Các thầy cô ở trường này cho biết, một vài trẻ cũng bị hội chứng tương tự: xem ti-vi từ sớm và xem quá nhiều giờ trong ngày đến nỗi không có phản xạ nói, chỉ nghe thụ động và chỉ biết chăm chú nhìn vào màn hình mà không quan tâm đến mọi tác động xung quanh như: vui chơi, tham gia tương tác bằng mắt, miệng với ba mẹ.

Hiện nay, có nhiều trẻ chậm nói, tức 2-3 tuổi vẫn chưa biết nói. Nguyên nhân chung thường thấy là trước đó, có thể từ 1 tháng tuổi, các bé đã được xem ti-vi. Đặc biệt, khi trẻ càng lớn, mật độ xem càng nhiều vì bé gần như bị “nghiện” ti-vi. Cha mẹ bận rộn, để con xem ti-vi… cho yên.

Con quấy khóc, không chịu ăn uống, cha mẹ dùng ti-vi để… dỗ. Bé ở nhà với người giúp việc, không ai chuyện trò, bé lại được xem… ti-vi. Nói chung, có nhiều cách để trẻ em dễ dàng được tiếp cận với ti-vi và xem đó như “món đồ chơi” gần gũi nhất. Hậu quả là trẻ trở nên lầm lì, ít nói, chậm nói hoặc nặng hơn là tự kỷ như những trường hợp đã ghi nhận tại các bệnh viện, trung tâm, lớp học tự kỷ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Không riêng người có con đầu lòng còn thiếu kinh nghiệm, với người sinh con lần 2, lần 3, hoặc trí thức như giảng viên đại học, bác sĩ, v.v… cũng đã rơi vào hoàn cảnh mang con đi chạy chữa vì hậu quả của ti-vi. Khi nhận ra con có dấu hiệu tự kỷ, ngoài việc điều trị theo các phương pháp giáo dục khoa học, trẻ cần được “cai” ti-vi mới mong cải thiện khả năng nói hay giao tiếp bằng mắt với người xung quanh. Sẽ không dễ dàng khi buộc một đứa trẻ rời bỏ món đồ chơi yêu thích. Do đó, chuyện buộc trẻ không xem ti-vi theo nhu cầu như trước đây và dành thời gian đó trò chuyện, vui chơi với ba mẹ thật sự là một quá trình cần lòng kiên nhẫn và tình yêu thương của người lớn.

Những kết quả nghiên cứu khoa học về tác hại của ti-vi đối với trẻ em đã chỉ ra rằng, trẻ dưới 2 tuổi không nên xem ti-vi; trên độ tuổi đó, trẻ không nên xem ti-vi quá 1-2 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Việc lạm dụng ti-vi sẽ dẫn đến nguy hại cho trí não và khả năng giao tiếp của trẻ. Nếu con bạn chậm nói hoặc có dấu hiệu tự kỷ, hãy nhìn lại thời lượng bé xem ti-vi mỗi ngày.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.