Y tế - Sức khỏe
Vì sao phải lấy chồng trước tuổi 30?
Bạn nhiều lần hỏi mình và hỏi mọi người như vậy, nhưng bạn không trả lời được, và mọi người cũng chẳng lý giải thỏa đáng vì sao. Dù không biết vì sao phải “hoàn thành mục tiêu” cuộc đời là có chồng, ổn định gia đình trước 30 tuổi, nhưng khi tuổi 30 chạm ngõ, rồi tuổi 30 dần qua, bạn và nhất là mọi người xung quanh lại cảm thấy lo sốt vó cho hạnh phúc của bạn.
Lẽ nào phải lấy chồng “đúng tuổi” mới gọi là hạnh phúc? Một cô gái 30 tuổi có công việc, có thu nhập tốt và… tự do thì đáng ngại chăng? Chính bạn cũng hoang mang không biết có gì gọi là đáng ngại. Nhưng khi ba mẹ, bà con, người thân cứ nhìn bạn với ánh mắt… bất thường, thì bạn lại tự thấy hình như chưa một mảnh tình chắc nụi vắt vai ở độ tuổi này dường như là… có vấn đề thật!
Càng ngày bạn càng sợ dịp nghỉ, giỗ, Tết và sợ về quê. Hễ ai gặp bạn thì lại “quan tâm”: Vẫn đi một mình à? Sự hỏi thăm khiến bạn cảm thấy bị xâm hại đến đời sống riêng tư, nhưng biết làm sao khi người Việt nói chung vốn rất thích bày tỏ tình cảm thân thương theo cách như vậy. Khổ nhất là ba mẹ, người gần gũi bạn nhất lại trở thành nỗi… ám ảnh khi hằng ngày cứ chất vấn một vấn đề: Bao giờ con chịu lấy chồng?
Bạn thấy mình đâu khó tính, cũng đâu kén chọn. Người chồng bạn mong chờ chỉ cần hình thức bình thường, trình độ bình thường, nghề nghiệp bình thường. Nói chung tại duyên số chưa tới chứ không phải tại bạn đòi hỏi quá cao. Vậy mà trong mắt ba mẹ, bạn có gì đó bất thường nên không thể chọn được một tấm chồng bình thường như người khác. Bạn xin ra ngoài ở riêng để không phải đối mặt với những câu hỏi như vậy nữa. Thế là ba mẹ “nổi đóa” bảo bạn “hâm” nặng.
Nhìn lại bạn bè cũ cùng trang lứa, bạn thấy có những người lập gia đình rồi nhưng hiện vẫn… chưa chồng. Bạn làm phép so sánh, thế thì xem ra mình còn sướng hơn vì không phải “một lần đò” để xử lý biết bao vấn đề không đơn giản. Nhưng mẹ bạn không nghĩ vậy. Bà nói thẳng: “Thà có chồng, rồi… không, còn hơn ở giá”. Mẹ còn muốn bạn cắt đứt việc giao lưu với nhóm những cô gái chưa chồng. Bà cho rằng, ở độ tuổi đó, chưa chồng con thì chẳng có gì hay ho mà chơi. Thậm chí, mẹ tỏ ra lo ngại nhóm này đồng tính!
Thỉnh thoảng bạn cũng có một mối quan hệ mới, vừa quen ở mức độ thông thường đủ để cà-phê, chuyện trò. Vậy mà không biết vì đâu mẹ điều tra được lý lịch của người mới, rồi chủ động mời người ta về nhà chơi và giới thiệu cả với họ hàng. Bạn ngượng đỏ mặt khi mẹ vô tình biến con thành “gái ế trầm trọng” trước mặt người con trai ấy. Những bài viết về tâm lý thường nói rằng, đàn ông thích cưa cẩm hơn là được cưa cẩm. Hình như điều này đúng, bởi khi mẹ càng nhiệt tình “mời chào” ai đó làm rể, thì y rằng người đó không dám ghé nhà bạn nữa.
Bạn mệt mỏi bởi cuộc kiếm tìm hạnh phúc cho… mẹ, ba, bà con lối xóm. Chả lẽ lấy chồng muộn hơn mức thông thường là điều gì đó tội nghiệp chăng? Nhóm chưa chồng của bạn ngồi lại tâm sự với nhau thì có khối chuyện đau lòng. Có cô hiện là giáo viên, một người học giỏi, hiền lành, mỗi tội… ế. Áp lực gia đình quá lớn khiến cô bạn ấy trầm cảm đến mức không nhắn tin, gọi điện, trò chuyện với mọi người. Bạn ấy cũng không kết nối facebook với những ai thông báo sắp kết hôn hoặc đã kết hôn vì bị… sốc khi nghe tin thêm một người yên bề gia thất.
Giờ bạn đang cảm thấy mình rung động trước một người. Nhưng niềm vui vừa chớm thì người này thiệt thà khai báo bạn gái cũ của anh ta đang mang thai, và chưa xác định được anh có đúng là cha của đứa bé không. Mẹ bạn biết tin này, bà dỗ: Cứ “nắm” anh ta cho chặt, giả sử nếu đứa bé đúng là con của người đó thì xem như con có thêm một đứa con thôi!
Thế là dù bất cứ giá nào cũng phải có cho được tấm chồng sao, như mẹ nói: Có rồi... không, còn hơn ở giá?
HƯỚNG DƯƠNG