Y tế - Sức khỏe

Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên

14:03, 27/11/2014 (GMT+7)

Do thiếu hiểu biết về tình dục an toàn và chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), nhiều vị thành niên đã phải gánh chịu những biến chứng nặng nề từ việc nạo phá thai không an toàn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của các em mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của tuổi mới lớn… Do đó, việc giáo dục kiến thức về tình dục, CSSKSS cũng như sự thay đổi thể chất, tinh thần, cảm xúc là rất quan trọng.

Học sinh Trường THPT Ông Ích Khiêm tham gia buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Học sinh Trường THPT Ông Ích Khiêm tham gia buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Tuy nhiên, CSSKSS cho tuổi vị thành niên là công việc phức tạp và tế nhị. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà đòi hỏi cả xã hội, chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình cùng phối hợp thực hiện. Trong đó, cha mẹ, thầy cô, y bác sĩ, Đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội... phải là những đối tượng chính, phối hợp tích cực trong các chương trình giáo dục giới tính.

Việc CSSKSS vị thành niên sẽ hướng các em vào lối sống điều độ; từ đó các em có suy nghĩ, đánh giá, lựa chọn đúng đắn trong tình bạn, tình yêu, không mắc phải những sai lầm đáng tiếc ảnh hưởng đến hạnh phúc và tương lai sau này.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Phương Lam, Bí thư Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám, CSSKSS vị thành niên luôn được nhà trường quan tâm, đặc biệt chương trình “Hành trang tuổi hồng” của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã tạo cho trường sân chơi bổ ích trong việc giáo dục, định hướng và gần gũi với các em. Hầu như các trường THPT trên địa bàn thành phố đều thực hiện chương trình “Hành trang tuổi hồng”. Ban giám hiệu một số trường cho rằng, việc CSSKSS phải thường xuyên và chỉ phía nhà trường thì chưa đủ mà còn hội tụ cả gia đình lẫn xã hội.

Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều gia đình chưa quan tâm vấn đề này. Một phần do nhận thức và không có kiến thức cơ bản về CSSKSS vị thành niên nên gia đình không thể tư vấn, theo dõi được con mà để các em tự mày mò, tìm hiểu. Thực tế, số trường trên địa bàn thành phố hằng năm đều có vài ba em mang thai ngoài ý muốn, đây là tiếng chuông cảnh báo về tình trạng vị thành niên mang thai ngoài ý muốn ngày càng gia tăng.

Ở nước ta, thanh niên từ 10-30 tuổi chiếm khoảng 40% dân số. Thế nhưng, những chương trình SKSS và kế hoạch hóa gia đình dành cho nhóm này hầu như rất ít nên lớp trẻ dễ bị tổn thương, dễ mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bị lạm dụng tình dục và bạo lực giới. Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi này, chiếm khoảng 20% tổng số ca phá thai. 

Là người làm công tác tuyên truyền, tư vấn sức khỏe vị thành niên, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các em đều có tâm lý e ngại, xấu hổ khi trả lời câu hỏi về SKSS. Có em mạnh dạn trả lời thì lại cho thấy còn nhiều lỗ hổng kiến thức về quan hệ tình dục an toàn, dấu hiệu của thai nghén, bệnh lây truyền qua đường tình dục… Việc giáo dục giới tính, CSSKSS mới dừng ở việc xây dựng tình bạn trong sáng, lành mạnh, giới thiệu cho vị thành niên các biểu hiện tuổi dậy thì ở nam, nữ, trong khi những vấn đề như: quan hệ tình dục an toàn, biện pháp phòng tránh thai… ít được đề cập thẳng thắn.

Bài và ảnh: MINH TUẤN

.