Y tế - Sức khỏe
Phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ
Dù không bùng phát thành dịch lớn như năm ngoái nhưng những tháng gần đây, số ca đau mắt đỏ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có xu hướng tăng dần.
Bệnh đau mắt đỏ có xu hướng tăng trong mùa mưa lũ. TRONG ẢNH: Bác sĩ Nguyễn Văn Khôi tại phòng khám, Bệnh viện Mắt. (Ảnh chụp chiều 18-11) |
Sở Y tế thành phố cho biết, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp do virus Adeno) đang có xu hướng tăng trong mùa mưa lũ. Trung bình mỗi tuần có 40 đến hơn 50 người dân Đà Nẵng mắc bệnh này.
Trong khi đó, theo số liệu của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, số bệnh nhân gồm người Đà Nẵng và ngoài tỉnh đến khám, điều trị viêm kết mạc cấp liên tục tăng từ đầu hè đến nay. Cụ thể, tháng 7 có 68 người; tháng 9 tăng gấp 3 lần với 209 người; tháng 10 lại tăng gấp 5 lần với gần 400 ca mắc. Riêng nửa đầu tháng 11 có gần 150 ca. Thống kê của bệnh viện này còn cho thấy 40% bệnh nhân đến điều trị là người ngoài tỉnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Khôi, Trưởng phòng khám, Bệnh viện Mắt cho biết, đau mắt đỏ là bệnh phổ biến, thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ và xảy ra ở khu vực nông thôn lẫn thành thị. Tuy nhiên, bệnh sẽ dễ mắc và dễ bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho virus phát triển, kèm theo đó là thói quen sử dụng nước giếng khơi bị nhiễm bẩn. Đây là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ mùa này cao hơn những thời điểm nắng nóng.
Bác sĩ Khôi khuyến cáo, khi vừa chớm đau mắt với các biểu hiện cộm, ngứa, chảy nước mắt, bệnh nhân nên tích cực rửa mắt bằng nước muối sinh lý, không dùng tay dụi mắt; đặc biệt giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt để nhanh khỏi bệnh và tránh lây bệnh cho người khác.
Dù đau mắt đỏ được xem là bệnh lành tính nhưng việc tự ý điều trị có khi gây tổn hại nghiêm trọng cho mắt. Qua thăm khám, các bác sĩ đã gặp một số trường hợp bệnh nhân tự mua thuốc nhỏ mắt, nhất là các loại thuốc có chứa thành phần corticoid - một chất gây hại cho mắt nên dẫn đến các biến chứng như loét giác mạc, mờ mắt.
Dân gian vẫn quan niệm nhìn thẳng vào mặt người bị đau mắt đỏ, hay “quở” người bệnh thì sẽ dễ bị lây. Theo bác sĩ Khôi, điều này không đúng vì nếu như vậy thì bác sĩ điều trị đau mắt đỏ sẽ là người thường xuyên bị lây bệnh. Cơ chế lây của virus viêm giác mạc cấp là qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh.
Một số trường hợp lây qua đường hô hấp, nếu virus ở mắt xuống mũi và người bệnh hắt hơi thì mầm bệnh sẽ lan ra xung quanh. Vì vậy, để bảo vệ đôi mắt trong thời điểm có nguy cơ cao mắc bệnh đau mắt đỏ, ngoài việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, mọi người cần quan tâm đến vệ sinh nơi ở, nơi sinh hoạt chung để hạn chế việc lây bệnh qua các vật tiếp xúc trung gian.
Bài và ảnh: THU HOA