Y tế - Sức khỏe
Cái ôm đầu tiên, giọt sữa đầu tiên
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Để hỗ trợ trẻ được bú mẹ sớm nhất có thể, Bệnh viện Phụ sản - Nhi áp dụng phương pháp “da kề da” từ vài tháng nay. Kết quả là 100% bé sinh thường và sinh mổ đều được hưởng trọn vẹn “cái ôm đầu tiên, giọt sữa đầu tiên” từ mẹ.
Bé mới chào đời đã được mẹ ấp vào lòng và bình yên tìm vú mẹ. Trong ảnh: Chị Phong và con trai. |
“Da kề da” không chỉ đem lại giá trị thiêng liêng về mặt cảm xúc, mà còn có ý nghĩa lớn lao về mặt dinh dưỡng, phát triển trên suốt đường đời của trẻ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá rất cao khi Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng có thể triển khai rộng rãi phương pháp này, trong điều kiện các bệnh viện lớn ở hai đầu đất nước hiện vẫn chưa thực hiện ở mức độ như vậy.
Bên cạnh đó, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) đã chọn Đà Nẵng làm địa phương chuẩn trong việc áp dụng “da kề da” và trở thành đơn vị chỉ đạo tuyến đối cho nhiều tỉnh, thành phố khác.
Ấm áp trong lòng mẹ
Phòng Hậu phẫu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi một buổi sáng cuối tháng 11 ấm áp hơn hẳn với hình ảnh những người mẹ vừa trải qua cuộc “vượt cạn” được ấp đứa con bé bỏng trong lòng. Trước đây 5 tháng, tức trước thời điểm áp dụng phương pháp “da kề da”, sau khi sinh mổ lấy con, phòng này chỉ dành cho mẹ hồi sức sau phẫu thuật, con được chăm sóc ở một căn phòng khác.
Từ khi thực hiện rộng rãi phương pháp “da kề da”, tất cả các bé đều được vòng tay mẹ đón chào ngay giây phút lọt lòng; và em bé với đôi tay nhỏ xíu, đôi môi bé xinh cứ thế thật bình yên tự tìm vú mẹ.
Chị Phong (quê Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) sinh mổ lần hai. Dù mới được chuyển từ phòng mổ ra phòng hồi sức nhưng chị vẫn tươi tỉnh. Liên tục cúi nhìn cậu con trai 3kg ngọ nguậy tìm vú mẹ, chị Phong cười hạnh phúc: “Lần này sinh vui hơn vì có con bên cạnh. Lần trước, tôi cũng sinh mổ nhưng sau sinh không gặp được con nên nằm mà lòng thấp thỏm. Lần sinh này, tôi không thấy cơ thể lạnh run bần bật nữa”.
Bên cạnh chị Phong là nữ điều dưỡng tên Anh, từ phòng Nhi sơ sinh được điều sang đón bé cho ca mổ này, cười tươi mỗi khi cu cậu “bắt” được vú mẹ hay khi vú mẹ “lạc” đi đâu khiến em khóc thét. Trước đây, một nữ hộ sinh có thể đón cùng lúc 3-4 bé sinh mổ. Tuy nhiên, với phương pháp “da kề da”, mỗi nữ hộ sinh chỉ có thể đi kèm từ đầu đến cuối một ca.
“Khi bác sĩ chuẩn bị mổ thì nữ hộ sinh hoặc điều dưỡng - những người được tập huấn “da kề da” - phải đứng bên cạnh đợi đón bé. Bé lọt lòng, được trao từ tay bác sĩ sang tay người đón rồi lau khô, cắt rốn và áp ngay vào lòng mẹ. Mọi công việc trung gian trước khi bé được kề mẹ diễn ra rất nhanh chóng”, chị Hoàng Thị Thanh Tâm, cử nhân điều dưỡng cho biết.
Nhưng chừng đó chỉ là phần đầu của công việc. Tiếp theo, điều dưỡng phải đứng bên cạnh mẹ để vịn bé và giúp mẹ ấp đứa con còn yếu ớt suốt một giờ đồng hồ từ lúc khâu vết mổ đến khi chuyển qua phòng hậu phẫu và đợi bé bú trọn cữ đầu.
Thành công nhờ tình yêu trẻ
“Mình cứ nói phải cho trẻ bú mẹ, sữa mẹ là tốt, nhưng vẫn không nhiều trẻ được bú mẹ, nhất là trong những ngày đầu đời. Từ khi cho “da kề da”, số trẻ được bú mẹ hoàn toàn đã tăng vọt”, bác sĩ Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi cho biết.
Cũng theo bác sĩ Sơn, qua nghiên cứu, WHO nhận thấy dù nhiều phương pháp chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau sinh đã được triển khai nhưng số lượng trẻ sơ sinh tử vong tại khu vực Tây Thái Bình Dương vẫn rất cao.
Cứ 2 phút trôi qua, khu vực này lại có 1 trẻ tử vong. WHO đã đi tìm câu trả lời để cải thiện tình trạng trên, và sữa mẹ chính là “bài thuốc” thần diệu đối với mỗi đứa bé khi có thể giảm đến 13% nguy cơ tử vong ở trẻ em. Trong đó, “da kề da” được coi là phương pháp cơ bản và hiệu quả nhất giúp bé được bú sữa mẹ.
Theo cử nhân điều dưỡng Hoàng Thị Thanh Tâm, cái khó của phương pháp này không phải ở sự cầu kỳ của kỹ thuật mà là nhiều người tham gia, tức tốn thêm nhân lực trong lúc bệnh viện đang thiếu người. Tuy nhiên, vì cái-ôm-đầu-tiên có ý nghĩa quá lớn nên mọi trở ngại vì thế cũng được sắp xếp để vượt qua. “Ngoài lý do được bú mẹ sớm, đó còn là khoảnh khắc hai mẹ con được gắn kết, phòng ngừa hạ thân nhiệt, kích thích miễn dịch, tiếp xúc với vi trùng có lợi và phòng hạ đường huyết”, các điều dưỡng nhi sơ sinh giải thích.
Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi vì sao trước áp lực quá tải, đội ngũ thực hiện phương pháp “da kề da” của Bệnh viện Phụ sản - Nhi vẫn hào hứng “nhận thêm việc”. Nhờ có “da kề da”, tất cả trẻ sinh ra tại bệnh viện này (trừ một số trường hợp được chỉ định riêng) đều nhận được hơi ấm đầu tiên từ mẹ và ngậm giọt sữa quý giá trong khoảnh khắc chào đời. Đáng nói hơn cả, trẻ sẽ “có đà” bú sữa mẹ mà không đòi hỏi sữa bột hay sữa công thức. Điều này giúp tăng sức để kháng cho bé và giảm thiểu bệnh tật về sau.
Sữa mẹ chỉ có thể đủ hoặc… dư Khảo sát của Bệnh viện Phụ sản - Nhi trên 138 ca vào tháng 8 vừa qua cho thấy, 47% bà mẹ nghĩ mình ít sữa nên phải cho con bú sữa công thức (sữa bột). Theo chị Trần Thị Thanh Hồng, nữ hộ sinh chính, chỉ có “tinh thần” người mẹ không… đủ sữa, chứ hai bầu vú mẹ luôn luôn đủ, thậm chí dư sữa cho con bú. Ngoài lý do nghĩ mình thiếu sữa, các bà mẹ còn gặp rào cản như vết mổ gây đau nên ngại cho con bú và tác động của gia đình khi họ hàng hai bên muốn cháu bú thêm sữa bột để mau no, ngủ sâu giấc và bớt khóc. Thực tế, đó chỉ là suy đoán thiếu cơ sở khoa học của các bà mẹ, bởi chỉ có sữa mẹ là thức ăn tốt nhất và an toàn nhất đối với trẻ. |
Bài và ảnh: THU HOA