Y tế - Sức khỏe
Chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ mang thai
Số liệu thống kê từ Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho thấy, cân nặng và chiều cao theo tuổi của trẻ em dưới 5 tuổi tại Đà Nẵng được cải thiện đáng kể qua từng năm và đã “bỏ xa” 60 tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chiều cao theo tuổi của trẻ em Đà Nẵng còn ở mức dưới trung bình.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng tốt, việc chơi các môn thể thao phù hợp lứa tuổi có thể giúp trẻ cải thiện chiều cao. |
Cân nặng tốt, cao thì... chưa
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Việt Nam năm 2013 (chưa có thống kê năm 2014) về suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em dưới 5 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố, Đà Nẵng hiện có 5,2% trẻ SDD về cân nặng so với tuổi, chỉ xếp sau thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, tỷ lệ trung bình cả nước là 15,3%.
10 năm trở lại đây, tỷ lệ SDD cân nặng theo tuổi của trẻ em trên địa bàn thành phố giảm liên tục từ gần 24% còn 5,2%. Đây được xem là bước phát triển tốt không chỉ đối với tiêu chuẩn trong nước; với WHO, tỷ lệ này cho thấy Đà Nẵng đang gần đạt đến mức lý tưởng về bảo đảm cân nặng theo tuổi của trẻ nhỏ.
Bên cạnh cân nặng, chiều cao của trẻ cũng thay đổi theo hướng tích cực.
Từ gần 25% trẻ SDD về chiều cao cách đây 10 năm, đến nay tỷ lệ này còn 15,7%, so với mức trung bình cả nước là 25,9%. Đà Nẵng đang ở tốp 3 thành phố có ít trẻ bị SDD chiều cao/tuổi. Tuy vậy, so với quy định của WHO, tỷ lệ trên 15% trẻ SDD về chiều cao như hiện nay của Đà Nẵng vẫn ở dưới mức trung bình và cần nhiều nỗ lực để đưa con số này về trên, dưới 5% mới có thể gọi là tốt hoặc lý tưởng.
Bác sĩ Ngô Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố Đà Nẵng, cho biết chiều cao của trẻ phụ thuộc nhiều vào gene di truyền từ bố mẹ. Tuy nhiên, vấn đề dinh dưỡng cũng là yếu tố góp phần đáng kể trong việc giúp tăng chiều cao của một đứa trẻ.
Qua khảo sát thực tế tại các trường tiểu học, bác sĩ Quang nhận thấy trẻ em thuộc khu vực trung tâm thành phố, kinh tế gia đình khá giả thường có chiều cao trung bình tốt hơn, thậm chí chênh lệch hơn hẳn so với học sinh khu vực vùng ven và gia đình khó khăn. “Vẫn còn những em bé thèm uống sữa, nhưng ba mẹ không có tiền mua cho con hộp sữa vài ngàn đồng thì làm sao nói đến chuyện phát triển thể lực”, bác sĩ Quang chia sẻ.
Không đợi tới tuổi lớn mới lo cao, thấp
Bác sĩ Ngô Văn Quang cho biết, chiều cao của trẻ được tác động ngay từ khi bé đang… trong bụng mẹ. Cải thiện tầm vóc của một đứa bé phải tính từ khâu chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ mang thai chứ không đợi tới lúc trẻ lớn lên mới lo cao hay thấp.
Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố Đà Nẵng và các trạm y tế phường, xã lâu nay đều có chương trình tư vấn, thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai. Thời gian vừa qua, cùng sự hỗ trợ của Quỹ Bill&Melinda Gates, Đà Nẵng xây dựng được 67 phòng tư vấn Mặt trời bé thơ để cung cấp kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc thai nghén và trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Nhờ đó, các bà mẹ, nhất là người ở khu vực nông thôn, vùng ngoại thành có thêm cơ hội tiếp cận thông tin dinh dưỡng.
Ngoài chăm sóc trong bào thai, để đứa trẻ phát triển tốt về sức khỏe nói chung, trẻ cần được bú sữa mẹ đầy đủ trong những tháng đầu đời. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, không có một loại sữa nào tốt hơn sữa mẹ. Đó là nguồn dinh dưỡng quý giá nhất và cần thiết nhất với trẻ.
Tại Đà Nẵng, hiện nay có 1/4 trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Dưới sự “đổ bộ” của sữa công thức và sữa ngoại, đã có giai đoạn sữa mẹ tưởng chừng trở nên “lép vế” và nhiều người nghi ngại sữa do chính mình “sản xuất” không đủ về lượng và chất cho con.
Tuy nhiên, qua nhiều biện pháp như truyền thông và áp dụng kỹ thuật da kề da (bé sinh ra được ấp ngay vào lòng mẹ để bú những giọt sữa đầu tiên từ vú mẹ), tỷ lệ trẻ em Đà Nẵng được bú mẹ tăng rõ rệt. Sau 6 tháng cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, việc cho trẻ ăn bổ sung (ăn dặm) đúng cách cũng góp phần quan trọng trong việc phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Theo bác sĩ Quang, bên cạnh những biện pháp về dinh dưỡng như trên, việc bổ sung vitamin A, tiêm chủng đầy đủ và tập luyện thể thao phù hợp lứa tuổi, v.v… nhất là các môn có lợi cho chiều cao như cầu lông, bơi lội, nhảy dây, bóng chuyền, sẽ có thể giúp trẻ đạt được tầm vóc lý tưởng.
Bài và ảnh: THU HOA