Y tế - Sức khỏe

Phòng bệnh mùa mưa cho trẻ

07:40, 04/12/2014 (GMT+7)

Những ngày mưa liên tiếp vừa qua trên địa bàn Đà Nẵng khiến độ ẩm không khí tăng đáng kể. Đây là điều kiện thuận lợi cho các bệnh thường gặp ở trẻ em xuất hiện nhiều hơn.

Những ngày qua, tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, bệnh nhân đến khám và điều trị liên quan đến bệnh viêm đường hô hấp và tiêu hóa mỗi ngày có khoảng hơn 200 trẻ. Đến thời điểm này, tổng số bệnh nhi điều trị nội trú hiện tại trên 500 em. Theo bác sĩ Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi, dù số bệnh nhân không tăng đột biến so với mọi năm, nhưng trước diễn biến thời tiết thay đổi, bệnh viện cũng có sự chuẩn bị các giải pháp ứng phó tình huống bệnh truyền nhiễm và bệnh dịch tăng theo mùa.

Trong khi đó, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, mùa mưa thường phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết (SXH), tay, chân, miệng (TCM), đau mắt đỏ. Hiện các bệnh dịch này tăng nhẹ và có nguy cơ tăng cao hơn trong thời gian đến. Trong những tuần cuối tháng 11-2014, số ca mắc SXH và TCM có xu hướng tăng, trung bình mỗi tuần có từ 8-10 ca SXH và từ 60-70 ca TCM nhập viện điều trị.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng ghi nhận 257 ca SXH (giảm 84,55% so với cùng kỳ năm ngoái), 1.504 ca TCM (giảm 46,7% so với cùng kỳ năm ngoái) và không có tử vong. Bên cạnh đó, các loại bệnh truyền nhiễm khác như: tiêu chảy cấp, hô hấp, đau mắt đỏ tăng đáng kể và dịch bệnh như cúm A/H5N1, H7N9 cũng có nguy cơ xâm nhập vào mùa này.

Để ứng phó với bệnh dịch mùa mưa, Trung tâm đã phối hợp các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống dịch; đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương điều tra, xử lý ổ dịch, diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường, qua đó kịp thời khống chế dịch lây lan và bùng phát. Thêm vào đó, Trung tâm tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị SXH, TCM, tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ cho các bác sĩ, điều dưỡng các tuyến.

Đặc biệt, Trung tâm Y tế dự phòng duy trì các loại hình tiêm chủng vắc-xin. Tập trung cho chiến dịch tiêm sởi - rubela đợt 3 trong tháng 12-2014 với 7.617 trẻ từ 11-14 tuổi tại huyện Hòa Vang và sẽ tiến hành triển khai tại các địa phương khác vào đầu năm 2015.

Đối với các bệnh viện, để chủ động ứng phó quá tải trước dịch bệnh mùa mưa, các đơn vị chuẩn bị kê thêm giường bệnh, ứng dụng triển khai những kỹ thuật mới, hiện đại để rút ngắn thời gian điều trị nội trú.

Bác sĩ Nguyễn Sơn khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần tích cực chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ khi thời tiết thay đổi. Đối với các bệnh về hô hấp, nhất là viêm long đường hô hấp, thì tác nhân gây bệnh do siêu vi trùng, theo gió mùa lây lan, phát tán ra cộng đồng, nên tránh cho trẻ tiếp xúc hoặc đến những nơi quá đông người. Với dịch bệnh đau mắt đỏ thì phải giữ vệ sinh tối đa cho trẻ, đặc biệt vệ sinh thân thể, tránh tiếp xúc với những trẻ mắc bệnh. Phòng bệnh về tiêu hóa phải tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín...

THU HOA

.