Y tế - Sức khỏe

Những giọt máu nghĩa tình

Bài cuối: Một giọt máu - triệu tấm lòng

07:53, 05/02/2015 (GMT+7)

Phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) do Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khởi xướng vào năm 1921, đến nay đã 93 năm với sự hưởng ứng của gần 189 quốc gia trên thế giới. Sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào là nhờ sự góp sức của triệu triệu tấm lòng nhân ái.

Tuổi trẻ Đà Nẵng hăng hái tham gia hiến máu tình nguyện.
Tuổi trẻ Đà Nẵng hăng hái tham gia hiến máu tình nguyện.

Đến với phong trào HMTN bằng nhiều lý do khác nhau nhưng không ít cá nhân sau đó đã gắn bó với… “máu” như một phần cuộc sống không thể tách rời.

Cơ duyên với... “máu”

Anh Đoàn Văn Hòa (SN 1967) bắt đầu tham gia hiến máu vào năm 1993. Nhưng đến năm 2004, từ ngày công tác tại Hội Chữ thập đỏ thành phố, là Cán bộ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo vận động HMTN thành phố, mọi người mới gọi anh bằng cái tên thân thương: Hòa “máu nóng”.

Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) ở thành phố Đà Nẵng luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Tính từ đầu năm đến ngày 26-12-2014, Ban chỉ đạo vận động HMTN thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 106 đợt HMTN, tiếp nhận 32.151 đơn vị máu, đáp ứng 99,7% nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho các bệnh viện trong thành phố Đà Nẵng.

Có thể nói, Đà Nẵng luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào HMTN khi tỷ lệ dân số tham gia HMTN hằng năm rất cao. Tỷ lệ này năm 2013 là 3,1%; năm 2014 là 3,25%, cao gần gấp 3 so với tỷ lệ của cả nước (1,08% năm 2013).

Ám ảnh nhất với anh Hòa trong những ngày đầu chập chững vào nghề phải kể đến sự cố lật tàu E1 ở Lăng Cô. Sau khi huy động 20 tình nguyện viên hỗ trợ máu “nóng” thành công cho các nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, anh vẫn chưa thôi nỗi lo.

Lần này cũng như rất nhiều lần giúp đỡ các gia đình có bệnh nhân cần truyền máu, anh luôn suy nghĩ làm sao để việc hiến máu “nóng”, đột xuất luôn nhanh chóng, kịp thời. Sau nhiều đêm trằn trọc, anh đề xuất với lãnh đạo thành lập các đội hiến máu dự bị (HMDB).

Ý kiến của anh được chấp thuận. Đến nay, đã có 20 đội HMDB được thành lập và đang duy trì hoạt động với 650 người đăng ký tham gia (trên 90% không phải là sinh viên). Sẵn sàng hiến máu đột xuất bất kỳ thời gian nào, thành viên các đội HMDB đã góp sức quan trọng trong công tác cứu chữa người bệnh. Điều này có một phần không nhỏ công lao của anh Hòa.

Hơn 10 năm gắn bó với phong trào HMTN, cùng lúc anh Hòa phải đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nhau: Chủ nhiệm CLB 25 (gồm những người hiến máu từ 25 lần trở lên), Đội trưởng Đội HMDB của thành phố, Chủ nhiệm CLB Máu hiếm Rh âm… Bận rộn suốt ngày với… máu, không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng nhưng khi được hỏi, anh lại cười xòa, khiêm tốn: “Mình có làm được gì nhiều đâu, là nhờ sự chung tay của các anh chị em thôi…”.

Trong khi đó, tham gia các đợt hiến máu tập trung tại cơ quan nơi mình công tác, anh Lê Quang Hiếu (SN 1984) nhận thấy nhu cầu máu rất cao và vô cùng xót xa trước cảnh chạy vạy khắp nơi tìm máu của người nhà bệnh nhân. Nỗi đau đáu ấy cứ bám lấy anh không buông. Vì thế, sau này, khi đã sinh hoạt tại Hội từ thiện Sông Hàn Đà Nẵng, được phân công làm thành viên Ban chủ nhiệm Ngân hàng máu nóng (BCN MNSH), anh vui vẻ nhận lời.

Mặc dù bận rộn với công việc chính nhưng anh Hiếu chưa bao giờ lơ là công tác tìm kiếm tình nguyện viên hiến máu, kịp thời hỗ trợ người bệnh. Bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, anh luôn kè kè cuốn sổ ghi danh sách tình nguyện viên, trong đó bao gồm đầy đủ nhóm máu, ngày hiến gần nhất, số điện thoại… để khi cần là có.

Còn anh Nguyễn Minh Tiến (SN 1986) từng là “người trong cuộc” khi chăm sóc bà ngoại bị bệnh ung thư. Hơn ai hết, anh hiểu nỗi khó khăn và hoang mang của người nhà bệnh nhân trong việc tìm người hỗ trợ máu nóng, đột xuất. Cũng vì vậy, sau khi bà ngoại qua đời, anh trở thành thành viên BCN MNSH, cố gắng giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ.

Sẵn sàng 24/7

Anh Hòa chia sẻ: “Khi có thông tin cần nhóm máu B, nếu vào ban ngày hoặc ngày bình thường, anh sẽ nhờ các bạn tình nguyện viên. Anh không tham gia hiến liền đâu mà… để dành cho những lúc nguy cấp, vào thời điểm khó khăn trong việc huy động các bạn hỗ trợ”.

Cũng vì thế, anh Hòa tham gia HMTN 30 lần thì hết 29 lần là đột xuất, chủ yếu cấp cứu bệnh nhân lúc nửa đêm hoặc lễ, Tết. Không những vậy, anh còn vận động vợ, 5 người em, 2 người cháu cùng tham gia hiến máu đột xuất khi cần. Tổng cộng 8 người thân của anh Hòa đã HMTN trên 3 lần.

Việc hiến máu đột xuất vô cùng khẩn thiết nên điện thoại của anh Hòa hay anh Hiếu, anh Tiến luôn mở 24/7, không kể lễ hay Tết. Nhiều lần đang chở vợ con đi chơi, anh Hiếu phải đón taxi cho vợ con về nhà giữa chừng vì có cuộc gọi nhờ hỗ trợ máu.

Còn anh Hòa, không nhớ rõ trường hợp đặc biệt nào bản thân đã hỗ trợ máu nhưng nhớ như in một ngày mồng 2 Tết. Khi ấy, gia đình đang chuẩn bị về quê thì anh nhận thông tin có 2 bệnh nhi cần máu gấp, đang nguy kịch.

Đang ngày lễ, anh sợ công tác tìm tình nguyện viên khó khăn nên không dám về quê, hẹn vợ lại hôm sau. Đến khi 2 bệnh nhi được cứu, anh mới thở phào nhẹ nhõm. Vậy mà, đến mồng 3, anh lại lỗi hẹn với gia đình lần nữa khi có một ca khác cần lượng máu “nóng” lớn…

Sốt sắng hỗ trợ từng bệnh nhân, hạnh phúc nhỏ nhoi với các anh là người bệnh qua cơn nguy kịch. Vậy nhưng, không ít người bệnh quá nặng, không cứu được dù đã cung cấp máu kịp thời. “Những ngày ấy là những ngày buồn nhất của anh em chúng tôi”, anh Hòa thở dài.

Bỏ cơm để... hiến máu

23 tuổi, Đậu Xuân Khoa đã 5 lần hiến máu, 2 lần hiến tiểu cầu. Lần gần đây nhất, chàng sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) vừa đi đá bóng về, đang dọn cơm chưa kịp ăn thì nhận điện thoại của anh Lê Quang Hiếu. Biết có bệnh nhân nguy kịch cần gấp tiểu cầu máy ở Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, Khoa tức tốc chạy đi. 21 giờ đến bệnh viện, hơn 24 giờ, Khoa mới trở về nhà tiếp tục bữa cơm. “Nghe tin, em chẳng kịp nghĩ gì, chỉ cố gắng làm sao để đến bệnh viện nhanh nhất, kịp thời hỗ trợ người bệnh”, Khoa chia sẻ.

Khoa bảo, lần đầu hay tin em hiến máu, bố mẹ phản đối kịch liệt. Tuy nhiên, sau nhiều lần được con trai giải thích rõ, bây giờ, bố mẹ Khoa lại ủng hộ mạnh mẽ. Tâm sự với chúng tôi, Khoa cười: “Em có sức khỏe, giúp đỡ được ai thì cố gắng hết sức. Em nghĩ người thân của mình trong trường hợp khó khăn cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng...”.

Bài và ảnh: TRÂM ANH

.