Y tế - Sức khỏe
Sự sống diệu kỳ
1. Trước thời điểm nghỉ Tết, tôi điện thoại hỏi thăm tình hình của em Vũ Thị Phương, bé gái 9 tuổi bị hôn mê nhiều tháng liền vì viêm não Nhật Bản mà tôi từng viết về hoàn cảnh thương tâm trước đó.
Thầy thuốc Nguyễn Tài Thu điều trị cho cháu Vũ Thị Phương, đồng thời hướng dẫn phương pháp đại trường châm cho các thầy thuốc tại Đà Nẵng. |
Qua điện thoại, vẫn giọng nói rụt rè, chầm chậm, bố cháu Phương cho biết, hai cha con vừa tạm rời Đà Nẵng để về quê đón Tết, sau đó sẽ trở lại tiếp tục điều trị. Việc một bệnh nhân xuất viện về quê ăn Tết là điều hết sức bình thường, nhưng với trường hợp bé Phương, đó thực sự là điều kỳ diệu.
Cách đây 6 tháng, hai bệnh viện đã lắc đầu vì không thể tiếp tục cứu vãn bệnh tình của Phương. Trước đó, Phương nhập viện vì sốt kéo dài. Qua nhiều kết quả chẩn đoán, em được xác nhận bị viêm não Nhật Bản. 3 tháng nằm hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, bệnh tình của em không giảm mà trở nên trầm trọng. Phương không nói, không nuốt, không phản xạ với ánh sáng, không thể cử động, toàn thân ngày càng co cứng và vùng cụt bị loét.
Anh Vũ Đình Trung, bố bé Phương tâm sự: “Lúc đó, hy vọng về sự sống của con gần như dập tắt. Nhưng “còn nước còn tát”, tôi và mẹ cháu nghe ngóng mọi lời khuyên nhủ và rồi quyết định cho con điều trị theo phương pháp đông y”. May mắn là ngay khi Phương chuyển đến Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng trùng thời điểm Thầy thuốc nhân dân, GS, TSKH, Phó Chủ tịch Hội Châm cứu thế giới, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam Nguyễn Tài Thu từ Hà Nội vào cầm tay chỉ việc cho đội ngũ thầy thuốc, lương y Đà Nẵng. Và Phương đã được chính ông trực tiếp điều trị.
Không thể nào quên lần đầu tiên Phương nằm trên bàn châm cứu, xung quanh em có đến hàng chục bác sĩ cố tìm một chỗ để chụp ảnh, quay phim, học hỏi phương pháp đại trường châm với kim to và dài đi xuyên kinh, xuyên huyệt. Trong khi đó, mẹ em lại chọn một góc thật xa ngồi lặng lẽ, còn bố em đứng gần đó nhưng cũng giữ khoảng cách đủ… không nhìn thấy con.
Cố nuốt giọt nước mắt vào lòng, mẹ Phương chia sẻ, gia đình sinh sống ở xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cuộc sống làm nông quần quật suốt ngày, cái đói cái nghèo chờ chực nên chị đâu biết gì về loại vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản để tiêm ngừa cho con. Phương là học sinh giỏi, luôn được nhà trường, thôn, xã nêu gương về thành tích học tập. Con đang giỏi giang, khỏe mạnh thế kia mà giờ sự sống mong manh quá…
Ai cũng nghĩ Phương không còn cảm giác gì ngoài khả năng vẫn giữ được hơi thở. Thế nhưng, bằng kinh nghiệm, thầy thuốc Nguyễn Tài Thu biết rõ bệnh nhân của ông đang cảm thấy ra sao sau từng đường kim. Ông nói: “Cháu có biết đau đấy”, rồi ông lần lượt hướng dẫn cách châm và đón kim để bệnh nhân không đau, đặc biệt với loại kim dài vài chục centimet. Trước khi chính thức châm cứu, ông còn động viên bố mẹ Phương phải thật kiên nhẫn bởi đây là bệnh thuộc loại điển hình, nặng nhất gặp ở trẻ em. Ít nhất phải mất nửa năm, sự hồi phục mới dần biểu hiện.
Tôi không thể biết đã có bao nhiêu cây kim chọc vào cơ thể em, chỉ nhớ là toàn thân từ đỉnh đầu đến bàn chân đầy những kim dài, kim ngắn. Chính các thầy thuốc có mặt tại buổi học thực tế này cũng thốt lên rằng họ chưa từng gặp trường hợp trẻ em nào được châm dày đặc đến vậy.
Dù tiên đoán nhanh nhất phải 6 tháng sau, các cơ của Phương mới bắt đầu mềm ra để vận động được nhưng chỉ qua hơn 2 tháng, Phương đã đi lại; và tiếp 1 tháng sau đó, em có thể chạy được.
Đến ngày về quê ăn Tết, Phương không chỉ tung tăng vui đùa cùng bạn bè mà còn nói được những câu, từ đơn giản lặp theo sự hướng dẫn của người khác. Hành trình giành lại một đứa con thông minh, khỏe mạnh còn dài và gian nan. Thần kinh của Phương chưa thật sự ổn định khi em thường la hét vô cớ. Nhưng với gia đình nghèo này, đó là cả quá trình mầu nhiệm. Sự nhiệm mầu của sự sống và sự nhiệm mầu của yêu thương.
Nếu không có cuộc gặp gỡ với GS Nguyễn Tài Thu vào thời điểm ấy, khó thể đoán biết bé Phương của ngày hôm nay đã như thế nào. Bên cạnh đó, không chỉ kế thừa phương pháp từ GS Nguyễn Tài Thu để tiếp tục điều trị cho cháu Vũ Thị Phương, các bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng còn trở thành “mạnh thường quân” đồng hành với gia đình em. Bố Phương kể: Mấy bác sĩ ủng hộ tiền bù vào khoản chi ngoài BHYT. Các bác còn đưa thông tin bệnh nhân lên mạng để kêu gọi hỗ trợ. Nhờ đó, nhiều tháng liền bỏ nhà, bỏ quê với túi tiền rỗng theo con vào Đà Nẵng, cha con anh vẫn ngày qua ngày vượt dần thử thách.
2. Một lần đứng sau tấm kính cách ly theo dõi ca can thiệp tim bẩm sinh tại phòng can thiệp tim mạch-DSA, Bệnh viện Đà Nẵng, tôi và những đồng nghiệp được trải qua mọi cung bậc cảm xúc như chính mình là người thân của cháu bé. Cậu bé hai tháng tuổi, nặng 4kg thở co rút liên hồi do suy hô hấp nặng được ekip cấp cứu ôm trong lòng lao thẳng vào phòng DSA. Trước đây mấy năm, những trường hợp bệnh nhi nhỏ tháng, nhẹ ký bị tim bẩm sinh tương tự trường hợp cháu bé này thường không qua khỏi. Tuy nhiên lần này, chỉ sau 1 giờ đồng hồ, cậu bé đã được can thiệp thành công để trở về trong vòng tay ấm áp của mẹ.
Có những bé chỉ mới 15 ngày tuổi, toàn thân tím tái và ống động mạch đang dần đóng lại sau vài phút nữa, nhưng vẫn được cứu sống ngoạn mục không thua kém trường hợp trên.
Những câu chuyện này đã được chúng tôi viết lại trên báo như cách đề cập thành công của ekip thực hiện. Tuy nhiên, phản ứng của nhân vật chính - các bác sĩ tham gia ca can thiệp là cảm thấy ngại vì những lời “có cánh” viết về mình. Có lẽ việc giành sự sống cho bệnh nhân, với cán bộ y tế nói chung, bác sĩ nói riêng, đó là chuyện bình thường. Nhưng với những người ngoài ngành y như chúng tôi, được chứng kiến khoảnh khắc ấy thật sự là điều hạnh phúc và đầy cảm xúc. Và nếu có cơ hội quay lại khoảnh khắc đó một lần nữa, chắc chắn cảm xúc của chúng tôi vẫn vậy: Một cảm giác rung động trước công việc thầm lặng của những người làm nghề cứu người.
Bài và ảnh: THU HOA