Y tế - Sức khỏe
Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển
Sau gần 6 năm triển khai thực hiện Đề án 52 của Chính phủ về kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của các phường vùng biển trên địa bàn Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội thành phố.
Buổi truyền thông tư vấn vận động đối tượng thực hiện biện pháp tránh thai tại các phường ven biển của quận Liên Chiểu. |
Dân số của Việt Nam đã vượt con số 90,4 triệu người, xếp thứ 13 trong số các nước đông dân trên thế giới và xếp thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á. Khi trở thành một trong những “cường quốc về dân số”, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tại các vùng biển, đảo.
Các vùng biển, đảo và ven biển hiện nay có quy mô dân số hơn 29 triệu người, chiếm khoảng 34,6% dân số cả nước, mật độ dân số 373 người/km2, gấp 1,5 lần mật độ dân số trung bình của cả nước. Nhu cầu sinh con, nhất là con trai của các cặp vợ chồng vùng biển vẫn cao.
Chất lượng dân số thấp, số trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng và thiểu năng trí tuệ còn đáng lo ngại. Đây là những vấn đề cần sớm được giải quyết, tạo nguồn nhân lực chất lượng, góp phần vào thành công của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Những năm qua, tại Đà Nẵng, chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ đạt những kết quả đáng ghi nhận, hơn 35% dân số Đà Nẵng là người vùng biển, đảo và ven biển đã có nhiều cơ hội tiếp cận và hưởng thụ đầy đủ các chính sách, dịch vụ xã hội tốt nhất, trong đó có các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản (SKSS) và KHHGĐ.
Đề án 52 đã được triển khai hơn 5 năm ở 18 phường có biển nhằm ổn định mức sinh và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng biển, đảo, ven biển và giữ vững quốc phòng-an ninh. Chi cục DS-KHHGĐ thành phố phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức những buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ cho gần 86.300 phụ nữ. Đồng thời, lồng ghép khám và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản tại 18 phường với gần 65.900 phụ nữ được khám phụ khoa.
Trong đó, phát hiện hơn 21.600 phụ nữ mắc bệnh và được điều trị tại các trạm y tế, hơn 300 trường hợp phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Đặc biệt, vấn đề tư vấn, cung cấp thông tin về SKSS luôn được quan tâm, các bà mẹ đang mang thai được cung cấp thông tin về các yếu tố có nguy cơ cao trong thời kỳ thai nghén.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã tổ chức sinh hoạt CLB chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân cho gần 22.000 lượt đối tượng là vị thành niên, thanh niên từ 15 - 24 tuổi chưa kết hôn, không đi học, chưa có việc làm ổn định. Đội ngũ cộng tác viên dân số-sức khỏe cộng đồng là những người luôn bám ngư dân để truyền thông, tư vấn, góp phần giúp các gia đình ngư dân có cuộc sống hạnh phúc, tình dục an toàn. Thành công của Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển” là mắt xích quan trọng, góp phần quyết định chuyển đổi hành vi DS-KHHGĐ, SKSS của các nhóm đối tượng ven biển và giúp nam ngư dân yên tâm bám biển.
Việc kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển đã đạt được những kết quả bước đầu. Song, việc triển khai tại các địa phương còn không ít vướng mắc như: trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhu cầu có con trai nối dõi và sinh thêm con của các cặp vợ chồng vùng biển luôn ở mức cao và có chiều hướng tăng. Số trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng và thiểu năng về trí tuệ đang có chiều hướng tăng, bởi phần lớn số phụ nữ chuẩn bị kết hôn hoặc trước khi sinh con chưa được tư vấn và khám phụ khoa để ngăn ngừa bệnh tật... Do điều kiện người dân làm việc trên biển dài ngày, việc tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thực hiện các biện pháp tránh thai hạn chế.
Để góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe cư dân biển từ nay đến năm 2020, Đề án 52 tiếp tục thực hiện một số mô hình, dự án thiết thực, đặc biệt là tăng cường hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc SKSS đến với người dân ven biển, nâng cao hiệu quả truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân ven biển. Đồng thời, ngành Dân số tập trung triển khai đồng bộ các hoạt động đáp ứng nhu cầu chăm sóc SKSS và KHHGĐ cho bà mẹ, trẻ em; hỗ trợ phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn...
Bài và ảnh: MAI HOA