Y tế - Sức khỏe
Bài 2: Lấy mẫu - chuyện dài kỳ
Để kết luận một loại thực phẩm đạt an toàn vệ sinh thực phẩm hay không cần thông qua lấy mẫu và kiểm nghiệm mẫu. Vấn đề thực ra không đơn giản như vậy khi việc xử lý mẫu khá tốn kém nhưng chưa chắc hiệu quả.
Tìm ra chất khiến trái cây để lâu không héo là “câu đố” đối với cơ quan chức năng. |
Để kiểm tra một mẫu thực phẩm, hiện nay, các cơ quan chức năng dựa theo hai cách: một là kiểm tra nhanh (test nhanh), hai là đưa vào phòng xét nghiệm.
Tiền đâu?
Theo bà Lê Hoàng Thúy, Phó trưởng phòng Quản lý kỹ thuật, Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, muốn xử phạt phải dựa vào kết quả định lượng. Trong khi đó, test nhanh chỉ cho kết quả định tính nên cách này chỉ “để biết”. Phải xét nghiệm tại phòng thí nghiệm đạt chuẩn mới cho kết quả định lượng và làm căn cứ xử lý.
Tuy nhiên, việc lấy mẫu thử, rồi đưa vào phòng thí nghiệm và đợi kết quả không đơn giản. Chị Thúy dẫn chứng, một quả cà tím muốn biết có an toàn hay không phải được kiểm tra 15 chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chừng này… chưa là gì so với 73 chất cần kiểm tra trên một quả cà chua theo quy định của Bộ. Đó là chưa kể những kim loại nặng cần kiểm soát trên các loại quả này.
Mỗi chỉ tiêu xét nghiệm tốn từ 200.000 - 500.000 đồng. Vì vậy, cán bộ kiểm tra mẫu phải dự đoán vùng sản xuất loại rau, quả đó thường dùng thuốc bảo vệ thực vật nào để chọn kiểm tra. Không xét nghiệm toàn diện thì khó khẳng định thực phẩm an toàn tuyệt đối.
Bên cạnh đó, một số loại chất cấm đã được văn bản pháp luật nêu tên nhưng quy định còn mù mờ nên gây khó trong việc kiểm nghiệm. Ông Nguyễn Tứ, Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản lấy ví dụ chất melamine - một chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, dù được quy định cấm sử dụng với hàm lượng rất cụ thể, nhưng cơ quan chức năng cũng chỉ kiểm tra để biết, chứ chưa đủ cơ sở pháp lý xử phạt nếu cơ sở dùng quá mức cho phép. Lý do là đến nay chưa có quy định rõ ràng phòng thí nghiệm nào được xét nghiệm chất này.
Tương tự, urê trong thủy sản chưa có quy định về ngưỡng an toàn. Urê trong cá gồm urê nội sinh (cá tươi có ít, cá ươn có nhiều) và urê do bên ngoài đưa vào. Song, chưa thể phân biệt được đâu là urê nội sinh, đâu là ngoại sinh.
Kinh phí kiểm soát an toàn thực phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia liên tục giảm mạnh và tiến tới cắt hoàn toàn vào năm 2016. Cụ thể, từ năm 2013-2015, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế được đầu tư từ 970 triệu đồng/năm giảm còn dưới 400 triệu đồng/năm, Sở NN&PTNT từ 710 triệu đồng/năm xuống còn 163 triệu đồng/năm. Đặc biệt, Sở Công thương đã không nhận được nguồn kinh phí của Chương trình Mục tiêu quốc gia từ năm 2014. |
Lấy mẫu chỉ để… quan sát
Mỗi năm trung bình Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý nông, lâm, thủy sản lấy 60 mẫu kiểm nghiệm. Theo ông Nguyễn Tứ, đó là con số quá ít so với mức tiêu thụ 80.000 tấn rau, củ, quả mỗi năm trên địa bàn thành phố.
Thiếu tiền là nguyên nhân khiến việc lấy mẫu chỉ mang tính tượng trưng. Tuy nhiên, đó không hẳn là nguyên nhân chính. Vấn đề các cơ quan chức năng đặt ra là việc lấy mẫu có thực sự là giải pháp hiệu quả để kiểm soát an toàn thực phẩm? Lấy mẫu kiểm tra và nếu phát hiện sai phạm thì xử lý.
Đó chỉ là lý thuyết. Thực tế, đối với mặt hàng tươi sống, chờ có kết quả xét nghiệm mẫu từ 2-7 ngày, lúc đó thực phẩm đã được tiêu thụ hết. Hơn nữa, khi mẫu phản ánh thực phẩm chứa hóa chất quá mức cho phép, cơ quan chức năng cũng không biết phạt ai do không truy được nguồn gốc hàng hóa.
Với ngành hàng rau, củ, quả, vùng nông nghiệp của Đà Nẵng chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thị trường. 80% còn lại được nhập từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, chưa kể hàng nhập khẩu. “Thương lái gom hàng nhỏ, lẻ từ nhiều nguồn. Hàng cũng không có hồ sơ, lai lịch, nên nếu phát hiện thực phẩm nhiễm độc vẫn không thể truy đến tận cùng để xử lý triệt để.
Ngành nông nghiệp yêu cầu cơ sở kinh doanh nông sản phải có hồ sơ thực phẩm, nhưng lại chưa quy định hồ sơ như thế nào, biểu mẫu ra sao thống nhất trên toàn quốc. Thế nên, mỗi nơi làm hồ sơ mỗi kiểu, hoặc làm hồ sơ nguồn hàng cho có cũng chẳng sao”, ông Nguyễn Tứ cho biết.
Trái cây để lâu không héo, giá đỗ to hơn bình thường, v.v… là những hiện tượng mà cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm được người dân phản ánh nhiều trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Tứ, để giải thích các hiện tượng trên, ngành chức năng đôi khi cũng… bó tay. Muốn tìm ra chất nào tạo nên hiện tượng đó, cần xét nghiệm, kiểm tra hàng ngàn chất hóa học nằm trong danh mục của Bộ quy định, chưa kể vô số hóa chất trôi nổi, không rõ tên tuổi được sử dụng trái phép. |
Bài và ảnh: THU HOA