Năm nay, Ngày Dân số thế giới có chủ đề “Hỗ trợ Chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai” là chủ đề mang đầy tính nhân văn của Liên Hợp Quốc, phản ánh một vấn đề to lớn mang tính cộng đồng toàn cầu.
Thảo luận nhóm của lớp tập huấn lồng ghép giới. |
Việt Nam là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu, bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan như: hạn hán, bão lũ, tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, cũng như sự bất thường của lượng mưa và các hình thái thời tiết khác.
Theo tính toán, nếu biến đổi khí hậu không được giảm thiểu hiệu quả thì đến cuối thế kỷ 21 này, Việt Nam sẽ mất ít nhất 12,2% diện tích đất, hiện là nơi cư trú của 23% dân số và thậm chí mất một con số lớn hơn diện tích đất màu mỡ, bao gồm một nửa khu vực châu thổ trũng thấp, cũng chính là một trong những vựa lúa quan trọng nhất của thế giới, do lũ lụt và xâm nhập mặn. Những trận bão lụt, siêu giông tố vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân cả vùng thành thị lẫn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều này cho thấy tác động của thiên tai rất lớn.
Cùng với các ngành khác, ngành dân số cũng bị ảnh hưởng nặng nề của vấn đề này. Vì vậy, ngành luôn chú trọng nhiều hơn việc tăng cường bảo đảm dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người dân ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai; nâng cao năng lực chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm việc cung cấp kịp thời, hiệu quả dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người dân trước, trong và sau thiên tai nhằm giảm rủi ro về bệnh tật và các hệ lụy không mong muốn khác.
Với đặc thù địa lý Đà Nẵng mỗi năm thường chịu nhiều trận bão, sau mỗi đợt thiên tai, ngoài những đảo lộn về sinh hoạt hằng ngày, thiệt hại về vật chất, còn có những khó khăn khác ảnh hưởng lớn đến đối tượng dễ tổn thương như phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, thành phố luôn có những kế hoạch để thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có ngành dân số.
Chị Cù Thị Mỹ Châu, cộng tác viên dân số - sức khỏe cộng đồng tại tổ dân phố 6G phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cho biết: “Tôi làm cộng tác viên gần 15 năm và luôn gắn bó với các hộ dân ven biển. Cứ đến mùa mưa bão, tôi lại bận rộn hơn vì các hộ dân ở đây ở nhà nhiều nên công việc truyền thông, vận động để thực hiện KHHGĐ càng vất vả hơn. Tôi chú trọng nhu cầu về chăm sóc SKSS cho phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản và luôn hoàn thành tốt công việc của mình”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Trạm y tế phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), hằng năm, UBND phường luôn chỉ đạo về kế hoạch chuẩn bị ứng phó với thiên tai, dịch bệnh; công tác phối kết hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể… Trong đó, đối tượng mà Trạm y tế quan tâm nhất vẫn là những hộ đơn thân, gia đình nghèo, trẻ em gái...
Việc cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho chị em phụ nữ sau mỗi đợt thiên tai, bão lũ rất cấp thiết, vừa khám và phát hiện những bệnh có thể phát sinh do thiên tai; vừa điều trị tại chỗ, phòng tránh hậu quả không tốt cho họ. Ngoài ra, còn thực hiện KHHGĐ, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp tránh thai, ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn.
Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nghiêm trọng cũng đặt ra yêu cầu đối với ngành trong việc nỗ lực tăng cường cung cấp dịch vụ dân số cho mọi tầng lớp nhân dân với chất lượng ngày càng cao, thuận tiện, đa dạng, nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm đủ dự phòng tại các cấp.
Nâng cao chất lượng dân số trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là đối với nhóm dân cư dễ bị tổn thương trong thiên tai phù hợp với định hướng dân số và phát triển bền vững như: Chiến lược DS-SKSS, Chiến lược Phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020. Nâng cao hiểu biết về tổn thương do nguy cơ thiên tai gây ra, chúng ta cần đề ra các hành động hiệu quả hơn, kể cả các chính sách liên quan đến việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ nhằm bảo vệ các nhóm dân số khác nhau tránh khỏi thảm họa thiên tai, chuyển từ ứng phó sang cách tiếp cận chủ động hơn.
Bài và ảnh: MINH PHÚC