Với mong muốn ngày càng có nhiều trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ trong những năm tháng đầu đời, nhiều chị em hiện nay đã không ngần ngại lên mạng cho hoặc xin sữa mẹ.
Tại diễn đàn Hội sữa mẹ Đà Nẵng, các “mẹ sữa” thoải mái xin - cho sữa mẹ với mong muốn ngày càng có nhiều trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ trong những năm tháng đầu đời. |
Đi tìm “vắc-xin” quý nhất cho con
Diễn đàn Hội sữa mẹ Đà Nẵng thu hút gần 2.500 thành viên tham gia. Đây là nơi chia sẻ, trao đổi kiến thức khoa học về sữa mẹ cũng như các phương pháp nuôi con đúng cách nhằm tuyên truyền ý nghĩa của sữa mẹ đối với trẻ.
Một chị có nickname Thanh Thuy UG gần đến ngày sinh bằng phương pháp sinh mổ chia sẻ: “Mình đã thử phương pháp vắt trữ sữa non trước sinh phòng trường hợp con không được gần mẹ nhưng kết quả không được một ống xilanh. Mình lại không muốn gửi sữa công thức vào cho con. Hy vọng có mẹ nào ở khu vực Tam Kỳ dư sữa trữ đông thì cho mình xin một ít”.
Ngay sau dòng trạng thái này, nhiều “mẹ sữa” đã không ngại ngần chia sẻ kinh nghiệm hoặc mang sữa trữ đông của mình đến tận nhà cho chị.
Cũng trên diễn đàn, một chị tên N.TN.M thông báo: “Mình có khoảng 10 bịch sữa mẹ trữ đông. Có mẹ nào cần thì liên hệ mình. Mình không bị bệnh truyền nhiễm, viêm gan B, mẹ khỏe, con khỏe”.
Việc xin và cho sữa mẹ hiện nay rất phổ biến ở nhiều diễn đàn. Tại trang Facebook Hội thanh lý đồ mẹ và bé Đà Nẵng, bà mẹ trẻ X.N tâm sự: “Mình mới sinh đứa đầu được 2 tháng, nhìn con đói sữa mà thương quá. Mẹ nào dư sữa thì cho mình nhé!”. Mong muốn này của chị X.N nhanh chóng được nhiều “mẹ sữa” giúp đỡ tận tình.
Nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất
Tại hội thảo về dinh dưỡng được tổ chức vào tháng 4 vừa qua ở Hà Nội, đại diện văn phòng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) khu vực Đông Á - Thái Bình Dương chia sẻ rằng, tỷ lệ bà mẹ Việt Nam nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu chỉ cao hơn Thái Lan (12%), thấp hơn hẳn so với Lào (40%) và Campuchia (65%). So với mục tiêu toàn cầu là 50%, Việt Nam mới chỉ đạt 17% bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
Thạc sĩ Lê Nhất Phương Hồng, chuyên gia tư vấn sữa mẹ tại Việt Nam - người có những chứng chỉ quốc tế chuyên sâu về sữa mẹ và dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đến vị thành niên, đồng thời là người sáng lập chuyên trang kiến thức nuôi con sữa mẹ Betibuti (www.facebook.com/betibuti), cho hay sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho mọi đứa trẻ. Thứ tự ưu tiên là sữa mẹ ruột bú trực tiếp, sữa mẹ ruột vắt trữ, sữa xin của mẹ khác (HIV âm tính và thanh trùng) và cuối cùng mới đến sữa bột.
So với trước đây, sự kỳ thị của cộng đồng đối với vấn đề xin sữa mẹ từ người khác nay đã giảm đáng kể. Tuy vậy, để bảo đảm sức khỏe cho trẻ, mẹ cho sữa cần hội đủ các tiêu chí: sức khỏe tổng quát tốt, âm tính với HIV, không có vết thương hở, nhiễm trùng trong và ngoài bầu vú, quầng vú, đầu vú, không bị ung thư, không ở trong vùng có dịch bệnh, không sử dụng chất kích thích. Nếu sữa cho hội đủ các tiêu chí trên, không nhất thiết phải qua xử lý nhiệt. Nếu sữa cho không đáp ứng hoặc không biết rõ, vẫn sử dụng được nhưng phải qua xử lý nhiệt đúng cách.
Thạc sĩ Lê Nhất Phương Hồng cũng lưu ý các bà mẹ không nên vắt sữa bỏ vào tủ lạnh đựng chung với thực phẩm gia đình, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn cho sức khỏe của trẻ.
“Cho, tặng sữa mẹ là hành động đẹp cần được trân trọng… Điều tốt nhất sau sữa của mẹ ruột là đến từ bầu vú mẹ khác, chứ không phải đến từ “đồ hộp công nghiệp” làm từ sữa của một bầu vú thuộc giống loài khác”, thạc sĩ Phương Hồng nhấn mạnh.
Bài và ảnh: BÌNH AN