Y tế - Sức khỏe

Phát huy vai trò của cộng tác viên dân số

07:52, 26/08/2015 (GMT+7)

Một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần làm nên thành công của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trong thời gian qua chính là hoạt động hiệu quả của 1.843 cộng tác viên (CTV) dân số và chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở các địa bàn phường, xã.

Tiểu phẩm tuyên truyền phương pháp sử dụng các biện pháp tránh thai.
Tiểu phẩm tuyên truyền phương pháp sử dụng các biện pháp tránh thai.

Mạng lưới CTV dân số và chăm sóc sức khỏe cộng đồng giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và phòng chống dịch bệnh ở cộng đồng. Họ có mặt ở tất cả tổ dân phố, thôn; giúp chính quyền các cấp có những số liệu tin cậy cập nhật về DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), phòng chống suy dinh dưỡng và phòng chống dịch bệnh; đồng thời, đưa thông tin tới người dân thường xuyên, vận động họ có thái độ tích cực làm chuyển đổi nhận thức và hành vi về dân số, phòng chống suy dinh dưỡng và phòng chống dịch bệnh. Chương trình dân số không thể đạt được những kết quả như trong những năm qua nếu như không có hoạt động truyền thông trực tiếp tới từng gia đình của CTV dân số và chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại cơ sở.

Nhờ công tác tuyên truyền, nhận thức của 647 hộ dân ở Chi bộ 7, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) về quy mô gia đình “ít con, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” được nâng lên. 3 năm liền Chi bộ không có người sinh con thứ ba trở lên, đạt Chi bộ văn hóa. Tỷ suất sinh bình quân trong 5 năm là 9,8%o, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong 5 năm là 9,75%. Kết quả đó có sự góp sức của chị Nguyễn Thị Hướng.

15 năm là CTV dân số và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chị Hướng từng chứng kiến nhiều gia đình sống trong cảnh nghèo túng vì đông con, dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, con cái không được học hành. Vì vậy, khi đảm nhận công việc, chị thường xuyên gần gũi, vận động, tuyên truyền các cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ, chăm lo phát triển kinh tế, chăm sóc, giáo dục các con. Nhiều năm liền, Chi bộ 7 thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu về giảm sinh, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai tăng lên và không có người sinh con thứ ba.

Chị Hướng chia sẻ: “Thời gian đầu tuyên truyền, tôi nhiều lần bị các gia đình làm khó hoặc phản ứng, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thôi làm công việc này. Giờ đây, nhận thức của người dân đã thay đổi rất nhiều. Niềm vui của CTV dân số và chăm sóc sức khỏe cộng đồng là được mọi người hiểu, cảm thông công việc mình đang làm; từ đó họ tin tưởng, tìm đến khi cần tư vấn kiến thức về chăm sóc SKSS, làm mẹ an toàn, dinh dưỡng cho trẻ nhỏ... Ngoài ra, còn có sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, Chi bộ và Ban DS-KHHGĐ phường, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể cơ sở đã làm tăng thêm sự nhiệt tình của chính bản thân tôi”.

Vai trò của đội ngũ CTV dân số không chỉ là cung cấp cho đối tượng những kiến thức cơ bản cần thiết về dân số mà còn theo dõi, giúp đỡ các đối tượng chuyển đổi hành vi, lựa chọn và áp dụng một biện pháp tránh thai phù hợp, khám và chữa trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kỹ năng phòng chống HIV/AIDS, phòng chống dịch bệnh...

Do các CTV dân số ở ngay trong cộng đồng và có những quan hệ gần gũi với các đối tượng, nên họ có điều kiện để kiên trì tuyên truyền, vận động người dân từ chỗ chưa hiểu biết đến hiểu biết, rồi có thái độ tích cực và chuyển đổi hành vi có lợi cho bảo vệ sức khỏe. Có thể thấy, CTV dân số góp phần quyết định vào việc chuyển đổi hành vi của các nhóm đối tượng ở trong cộng đồng.

Để giữ tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ở mức an toàn và hạn chế tối đa tình trạng sinh con thứ ba, anh Nguyễn Phan Bốn, Trưởng thôn, CTV thôn An Châu (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) đã lấy tuyên truyền làm “vũ khí” để nâng cao nhận thức cho người dân về công tác dân số.

Theo anh, mỗi CTV dân số và chăm sóc sức khỏe cộng đồng phải đồng thời là người dân vận giỏi. Tuyên truyền về dân số không chỉ gói gọn theo kiến thức có sẵn trong sách vở, tài liệu mà còn phải sử dụng nhiều hình thức như: trình diễn tiểu phẩm minh họa, tạo ra các hình ảnh trực quan sinh động...

Quan trọng nhất là khi phân tích cái lợi của việc thực hiện KHHGĐ, của chăm sóc SKSS cho các đối tượng, người cán bộ hay CTV dân số phải có cách nói gần gũi, dễ hiểu theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Phải nắm vững danh sách các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, rà soát từng đối tượng chưa thực hiện biện pháp tránh thai để vận động, tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, huy động chị em phụ nữ đến địa điểm khám phụ khoa và thực hiện biện pháp tránh thai. Vì thế, muốn làm dân số tốt thì phải dân vận cho giỏi, nói sao cho dân nghe.

Anh Bốn đã tham gia nhiều lĩnh vực xã hội như: tham gia lực lượng dân quân, công an viên và được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn kiêm nhiệm CTV dân số - sức khỏe cộng đồng từ năm 2002 đến nay. Thôn của anh đạt thành tích 4 năm liền thôn không có người sinh con thứ ba trở lên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân trong thôn, góp phần về đích xây dựng nông thôn mới.

Để có một mạng lưới CTV dân số cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, phải có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng đội ngũ CTV cơ sở có năng lực, lòng nhiệt tình trong công tác. Có chế độ bồi dưỡng cả về chuyên môn, nghiệp vụ lẫn đường lối chủ trương của Đảng về công tác dân số. Hơn hết, mỗi CTV cần học hỏi, trau dồi kiến thức, thường xuyên xuống các hộ gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con kịp thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách về dân số; qua đó góp phần ổn định quy mô dân số, nâng cao chất lượng dân số.

Bài và ảnh: MAI KHUÊ

.