Y tế - Sức khỏe

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

07:24, 10/09/2015 (GMT+7)

Số người mắc sốt xuất huyết (SXH) đang tăng mạnh trong vài tuần qua và có nguy cơ bùng phát thành dịch trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, số ca mắc tay - chân - miệng (TCM) tại Đà Nẵng hiện tăng đột biến và cao nhất so với các tỉnh miền Trung.

Cơ quan chức năng kiểm tra ổ bọ gậy tại khu vực có dịch.
Cơ quan chức năng kiểm tra ổ bọ gậy tại khu vực có dịch.

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 138 ca SXH trải đều trên tất cả các quận, huyện. Riêng 3 tuần trở lại đây, SXH tăng mạnh ở các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) và phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ).

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) thành phố cho biết, SXH diễn biến phức tạp tại các địa phương nói trên vì nơi đây có nhiều khu đất trống chứa vật liệu phế thải. Bên cạnh đó, người dân và địa phương còn lơ là trong phòng dịch. Về phía địa phương, đại diện Trung tâm YTDP quận Liên Chiểu cho rằng, quận không muốn “dẫn đầu về dịch bệnh”.

Với 36 ca mắc SXH từ đầu năm đến nay, cao gấp đôi so với các địa phương khác, quận Liên Chiểu lên kế hoạch trong chủ nhật tuần này sẽ xử lý dứt điểm các khu vực môi trường ô nhiễm. Chính quyền các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam cũng thừa nhận khâu vệ sinh môi trường chưa được giải quyết triệt để. Trước mắt, đội phòng chống dịch quận Liên Chiểu đã phun thuốc một số khu vực và thực hiện việc kiểm tra chéo giữa các phường.

Trung tâm YTDP thành phố cho biết đã điều tra ổ bọ gậy đợt 1 tại các phường điểm SXH và tiếp tục triển khai đợt 2 trong tháng 9 này. Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, cho rằng một thiếu sót trong xử lý ổ dịch SXH hiện nay là việc phát hiện, dập dịch còn thực hiện lẻ tẻ.

“Có khi hai tổ nằm liền kề nhau nhưng cán bộ phòng chống dịch cứ ngỡ là cách xa nên xử lý riêng lẻ. Vì thế, cần gấp rút vẽ sơ đồ các tổ trên địa bàn phường để dán tại từng trạm y tế. Như vậy, việc theo dõi các ổ dịch lớn sẽ thuận lợi hơn”, bà Yến nói.

Tay - chân - miệng cao đột biến

Từ đầu năm đến đầu tháng 9, toàn thành phố ghi nhận trên 1.300 ca TCM, chủ yếu bệnh nhân là trẻ em dưới 5 tuổi. Lượng bệnh tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái và so với các tỉnh miền Trung, Đà Nẵng đang có số người mắc cao nhất.

Không thống kê người mắc ở mức độ 1, riêng con số bệnh nhân TCM từ độ 2 trở lên mà Đà Nẵng đã cao hơn so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Theo Trung tâm YTDP thành phố, nguyên nhân một phần có thể từ khâu chẩn đoán, thống kê bệnh.

“Có khi em bé vừa sốt và xuất hiện một nốt ở miệng là được chẩn đoán TCM nên số bệnh ghi nhận mới cao như vậy. Trung tâm YTDP đã lấy 30 mẫu bệnh TCM tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để gửi đi kiểm nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang và kết quả chỉ có 6 mẫu dương tính, còn lại âm tính”, bác sĩ Thạnh nói.

Trong khi đó, bác sĩ Phạm Chí Kông, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi, cho rằng bệnh viện rà soát lại toàn bộ quy trình chẩn đoán bệnh TCM và nhận thấy đã làm đúng hướng dẫn, phác đồ của Bộ Y tế. Bệnh có khi khởi phát mức độ nhẹ nhưng diễn biến nặng nhanh chóng. Vì vậy, các bác sĩ không thể thiếu cảnh giác với bệnh TCM.

Bà Ngô Thị Kim Yến cho biết, sẽ có văn bản gửi lên Cục Y tế dự phòng đề nghị hướng dẫn xử lý tình hình TCM tăng cao tại Đà Nẵng, có thể đề xuất hướng phun thuốc trên diện rộng. Bên cạnh đó, các giáo viên mầm non, nhóm trẻ trên địa bàn thành phố, nhất là ở khu vực có dịch sẽ được tăng cường hướng dẫn phòng chống bệnh TCM.

Giải quyết các lúng túng trong phòng chống dịch

Ngoài hai bệnh SXH và TCM, các bệnh dịch khác cũng được theo dõi chặt chẽ trên địa bàn thành phố. MERS-CoV đến nay vẫn được giữ ở mức cảnh báo cao. Đợt dịch vừa qua, ngành y tế giám sát, cách ly 8 người nghi nhiễm. Kết quả cả 8 ca đều âm tính.

Với bệnh viêm não do vi-rút, các năm trước ít xuất hiện thì năm nay cũng ghi nhận 4 ca, trong đó có 2 ca tại huyện Hòa Vang dương tính với vi-rút Viêm não Nhật Bản…

Để phòng chống dịch bệnh, các đơn vị liên quan cần phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian qua cũng xuất hiện một số lúng túng trong phối kết hợp xử lý ca bệnh như: xe cấp cứu chưa thể tiếp cận nhanh nhất có thể tại Cảng hàng không để nhận hành khách nghi nhiễm MERS-CoV; Bệnh viện Phụ sản - Nhi mất ít nhất 30-45 phút để bố trí một ca nghi nhiễm MERS-CoV vào khu vực cách ly do sự quá tải tại khoa Y học Nhiệt đới của bệnh viện này; nhân viên xe cấp cứu chưa tuân thủ đúng quy trình một chiều dành cho bệnh cách ly tại Bệnh viện Đà Nẵng; trang phục bảo hộ chưa được phân loại theo từng dịch bệnh, v.v…

Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đã chỉ đạo các bệnh viện được giao tiếp nhận bệnh dịch, nhất là bệnh nguy hiểm phải ưu tiên bố trí quy trình, giường bệnh trong tư thế sẵn sàng, không để bệnh nhân đến rồi mới tính toán việc đón tiếp.

Về trang phục bảo hộ, Sở Y tế giao Trung tâm YTDP chịu trách nhiệm thẩm định chất lượng và loại trang phục phù hợp theo loại bệnh và nhu cầu của các bệnh viện. “Thành phố không thiếu kinh phí cho công tác phòng chống dịch”, bà Yến nói.

Bài và ảnh: THU HOA

.