Y tế - Sức khỏe
Thuốc chế ngự cơn đau dạ dày
Đau dạ dày và đau nói chung là triệu chứng thường gặp và gây nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh. Để chế ngự các cơn đau, giải pháp được lựa chọn đầu tiên là dùng thuốc giảm đau.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy, phần lớn những người sử dụng các chế phẩm giảm đau không những sử dụng sai phương pháp mà còn không để ý đến những tác dụng phụ của các loại thuốc này, trong đó hay gặp nhất là những biến chứng ở đường tiêu hóa như viêm dạ dày, loét dạ dày và đặc biệt là chảy máu dạ dày.
Có những loại thuốc giảm đau nào?
Thuốc giảm đau được chia làm 3 loại:
Thuốc giảm đau loại morphin: nhóm thuốc này có chung một đặc tính là gây nghiện, vì vậy đều thuộc "bảng A, gây nghiện", không kê đơn quá 7 ngày.
Thuốc giảm đau không phải morphin: paracetamol và thuốc chống viêm không steroid. Thông thường, nhóm thuốc này được sử dụng trong các trường hợp sau:
Các triệu chứng đau và sốt thông thường: Các triệu chứng sốt và đau trong cảm cúm, phụ khoa, tiết niệu, thần kinh, tai mũi họng, sau phẫu thuật...
Các bệnh viêm cấp và mạn tính: thấp khớp cấp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp cùng chậu...
Dự phòng huyết khối và tắc mạch trong các bệnh tăng huyết áp; hẹp van 2 lá, viêm tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch...
Ngoài ra, các thuốc thuộc nhóm này còn đang được nghiên cứu để dự phòng và điều trị Alzheimer, polip đại tràng, ung thư đại - trực tràng, ung thư tuyến liền liệt...
Thuốc giảm đau hỗ trợ: là những thuốc có tác dụng làm tăng hiệu quả giảm đau hoặc giảm nhẹ tác dụng không mong muốn của các thuốc trên. Các thuốc này đặc biệt hiệu quả đối với đau do nguyên nhân thần kinh. Hay sử dụng là các thuốc chống trầm cảm và thuốc chống động kinh.
Những tác dụng phụ khi dùng thuốc giảm đau
Viêm loét, xuất huyết đường tiêu hóa: Đây là tác dụng phụ rất hay gặp, nhất là khi sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm non-steroid. Trên lâm sàng, hiện nay nhóm thuốc này có thể được coi là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến và nhiều nhất do rất nhiều tác dụng tối ưu của chúng, tuy nhiên bên cạnh các tác dụng có lợi thì nhóm thuốc này cũng có rất nhiều tác dụng không mong muốn, thậm chí cả các tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Tác dụng phụ xuất hiện cả khi dùng đường uống hoặc đường tiêm. Sở dĩ tác dụng phụ này hay gặp nhất, một mặt do thuốc gây tổn thương trực tiếp niêm mạc dạ dày, mặt khác nó làm giảm quá trình sản xuất chất nhày tạo điều kiện cho acid và pepsin của dịch vị gây tổn thương niêm mạc. Biểu hiện của tác dụng phụ rất khác nhau: cảm giác đầy bụng, nóng rát vùng thượng vị, viêm loét dạ dày tá tràng; chảy máu, thủng dạ dày, hành tá tràng.
Khi bị viêm loét dạ dày cần đi khám bác sĩ chuyên khoa và dùng thuốc theo hướng dẫn. |
Các thuốc giảm đau nguy cơ cao gây chảy máu đường tiêu hóa
Ibuprofen: có trong thành phần của nhiều loại thuốc giảm đau như alaxan, antidol và thường được kết hợp với paracetamol (thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt) có thể giảm cơn đau nhanh chóng do ức chế sự tổng hợp hay phóng thích prostaglandin. Tuy nhiên, cần chú ý đến tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra. Hay gặp nhất là tác dụng phụ về đường tiêu hóa. Có tới 5-15% người bệnh dùng ibuprofen gặp hiện tượng: trướng bụng, đau bụng, buồn nôn, nôn, nặng hơn là loét dạ dày tiến triển, chảy máu dạ dày, ruột...
Aspirin: đây là thuốc hay dùng nhất trong nhóm dẫn xuất của acid salicylic. Ngoài tác dụng hạ sốt và giảm đau, chống viêm còn có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, vì vậy thuốc làm giảm quá trình đông máu. Aspirin có tác dụng giảm đau tốt nên được nhiều người tín nhiệm để uống khi bị sốt cao, nhức đầu, đau răng, đau mình mẩy, thấp khớp cấp và mạn. Tuy nhiên, đây cũng là thuốc nguy cơ rất cao gây viêm loét dạ dày tá tràng, chảy máu đường tiêu hóa.
Lạm dụng thuốc có thể gây xuất huyết dạ dày, thậm chí thủng dạ dày rất nguy hiểm. Thuốc hiện nay hay dùng là dạng aspirin pH8 (viên bao tan ở ruột) để giảm tác dụng kích ứng ở dạ dày. Cần chú ý các dạng thuốc phối hợp như viên APC, asca, aspirin sủi bọt, thuốc tiêm aspegic vẫn có phản ứng có hại gây viêm loét đường tiêu hóa nên cần phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc điều trị để tránh các phản ứng có hại của thuốc (ADR) nguy hiểm.
Indomethacin: hay dùng để điều trị đau lưng, viêm dây thần kinh, viêm xương khớp, hư khớp, thấp khớp mạn tính do có tác dụng chống viêm, giảm đau tốt. Người cao tuổi bị bệnh mạn tính về khớp hay được kê đơn nên cũng dễ bị các phản ứng có hại do dùng thuốc kéo dài không đúng cách. ADR nguy hiểm nhất của thuốc này là gây viêm loét dạ dày - tá tràng, ruột, rối loạn đông máu.
Diclofenac (voltaren, diclofen): là thuốc giảm đau, chống viêm dung nạp tốt nên hay dùng trong các chứng thấp khớp, thoái hóa và viêm hư khớp, thoái hóa cột sống, viêm nhiều khớp, đau lưng, đau thần kinh hông. Đây cũng là một trong những thuốc gây loét dạ dày - ruột - tá tràng khá nguy hiểm do nhiều người lạm dụng trong điều trị đau.
Các dẫn xuất của nhóm oxicam: thường dùng là meloxicam; pirocicam; tenocicam, các thuốc này hiện nay cũng thường được dùng trong điều trị viêm xương khớp, thoái hóa khớp, viêm cột sống cứng khớp. Tuy phản ứng có hại gây loét và xuất huyết đường tiêu hóa ít gặp hơn nhưng vẫn là nhóm thuốc có nguy cơ cao gây chảy máu đường tiêu hóa nếu bị lạm dụng, dùng liều cao kéo dài.
Tác dụng không mong muốn khác
Bên cạnh tác dụng phụ gây viêm loét chảy máu đường tiêu hóa còn có thể gặp rất nhiều tác dụng không mong muốn khác như nghiện thuốc, gãy xương (với nhóm giảm đau gây nghiện), tổn thương gan nặng (khi dùng quá liều paracetamol), tổn thương thận (khi dùng paracetamol và/ hoặc thuốc giảm đau non-steroid).
Nguyên tắc sử dụng thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau chỉ điều trị triệu chứng, thuốc có thể che lấp các dấu hiệu của bệnh trong khi bệnh vẫn tiến triển nên phải hết sức cân nhắc khi sử dụng thuốc giảm đau. Khi lựa chọn thuốc, cần chú ý đến cường độ và bản chất của đau. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên uống thuốc theo bậc thang giảm đau:
Bậc 1 (đau nhẹ): dùng thuốc giảm đau không phải opioid như paracetamol, thuốc chống viêm không phải steroid. Dùng một trong các thuốc giảm đau thông dụng nhất là paracetamol, aspirin, ibuprofen... Việc chọn lựa tùy theo sự nhạy cảm của từng người, những chống chỉ định khác nhau và sự tương tác của chúng với những thuốc khác.
Bậc 2 (đau vừa): phối hợp thuốc loại opioid yếu (codein, oxycodon) với paracetamol, thuốc giảm đau, chống viêm không steroid hoặc thuốc giảm đau hỗ trợ. Có thể dùng các thuốc giảm đau mạnh hơn như codein hoặc dextropropoxyphen.
Bậc 3 (đau nặng): dùng thuốc giảm đau loại opioid mạnh: morphin, hydromorphon, methadon... phối hợp với thuốc chống viêm không steroid. Thường gặp trong các trường hợp đau do ung thư, do bỏng nặng, hoặc chấn thương nặng... thì phải dùng đến morphin và các dẫn chất của nó. Vì dễ gây ra hiện tượng quen thuốc, nghiện thuốc, chỉ sử dụng khi có sự chỉ định của thầy thuốc, dùng đúng liều lượng và đúng thời gian ấn định.
Để tránh những rối loạn về tiêu hóa, nên uống thuốc vào lúc no và uống với một cốc nước (khoảng 200-250ml). Cần đặc biệt chú ý đây là loại thuốc thường dùng để điều trị đau cấp tính, chỉ nên dùng trong thời gian ngắn mà không nên kéo dài. Không nên tự ý dùng thuốc này nếu không có chỉ định. Nếu bị khó chịu ở dạ dày, nên uống thuốc cùng với thức ăn hoặc ngay sau ăn.
Theo ThS. Đăng Khôi/SK&ĐS