.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế:

Cần một "nhạc trưởng"

.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý bệnh viện, trung tâm y tế ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập. Nguyên nhân là do chưa có doanh nghiệp nào tham gia vào hoạt động này nên các bệnh viện đều phải tự làm về CNTT.

Cần có phần mềm dùng chung giữa các bệnh viện để nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
Cần có phần mềm dùng chung giữa các bệnh viện để nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Mỗi nơi một kiểu

Đại diện các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố cho hay, hiện nay, ngành y tế Đà Nẵng chưa có phần mềm dùng chung theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân, gây lãng phí lớn về thời gian cũng như kinh phí trong công tác quản lý bệnh viện.

“Từ nhiều năm nay, mỗi bệnh viện, trung tâm y tế đều sử dụng một phần mềm riêng, trong đó một số bệnh viện phải dùng đến nhiều phần mềm độc lập, không liên kết được với nhau, gây khó khăn trong việc quản lý hồ sơ bệnh án cũng như hoạt động của mỗi bệnh viện”, bác sĩ Nguyễn Văn Cúc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho hay.

Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đang sử dụng 2 phần mềm riêng, một phần mềm quản lý tài chính và một phần mềm quản lý được mua lại của một bệnh viện khác ở Nha Trang từ năm 2007 đến nay. Bác sĩ Cúc cho rằng, dù phần mềm mà Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đang dùng có thể “tạm ổn”, nhưng các hệ thống thông tin và quản lý dữ liệu của bệnh viện vẫn chưa đồng bộ, chưa có sự liên thông nhịp nhàng với các bệnh viện khác để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân.

Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cũng đưa phần mềm vào phục vụ công tác quản lý hồ sơ bệnh nhân từ năm 2014, nhưng chỉ áp dụng để quản lý bệnh nhân điều trị ngoại trú, còn bệnh nhân điều trị nội trú và công tác quản lý thuốc vẫn phải làm thủ công.

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Tấn Hải cho rằng, sự quá tải ở bệnh viện hiện nay một phần do công tác quản lý của ngành y tế còn nhiều bất cập.

“Nếu chúng ta xây dựng được phần mềm khám, chữa bệnh theo đúng chuẩn, có sự liên kết giữa các bệnh viện với nhau thì người dân có thể đi khám, chữa bệnh theo giờ đã hẹn trước mà không phải chờ đợi hoặc không cần phải mang theo bất cứ giấy tờ gì vì các bệnh viện đã lưu trữ hồ sơ rồi”, ông Hải chia sẻ.

Theo ông Hải, hiện nay, khâu quản lý hành chính đang chiếm quá nhiều thời gian của đội ngũ y, bác sĩ, trong khi đó, việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế chỉ mới dừng lại ở mức độ tính toán, ít phục vụ cho chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện.

“Các bệnh viện và trung tâm y tế vẫn sử dụng quá nhiều biểu mẫu thống kê, sử dụng nhiều loại sổ sách khác nhau khi mà những dữ liệu này hoàn toàn có thể nhập một lần vào máy tính. Trong khi đó, tại nhiều bệnh viện, nhân viên y tế vừa phải ghi chép sổ sách vừa phải nhập dữ liệu vào máy tính nên rất lãng phí”, ông Hải nói.

Nên mua hay thuê?

Vừa qua, lãnh đạo thành phố đã có buổi làm việc với Tập đoàn FPT về ứng dụng CNTT cho ngành y tế Đà Nẵng. Tập đoàn FPT đưa ra 2 phương án để Đà Nẵng lựa chọn triển khai phần mềm ứng dụng CNTT trong ngành y tế.

Phương án 1, FPT sẽ bán phần mềm có giá gần 70 tỷ đồng cũng như bảo trì và nâng cấp hằng năm, triển khai từ năm 2016 đến năm 2018. Phương án 2, Đà Nẵng chỉ đầu tư 10 tỷ đồng cho việc triển khai phần mềm trong giai đoạn ban đầu; phần còn lại, FPT sẽ đầu tư và cho ngành y tế Đà Nẵng thuê lại và thu phí dịch vụ hằng năm.

Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Bùi Quang Ngọc cho biết, những ứng dụng mà FPT đưa ra sẽ góp phần nâng cao công suất khám chữa bệnh, giảm tải cho bệnh viện, giảm các thủ tục hành chính, bảo đảm tính công bằng khi thực hiện các dịch vụ y tế.

Ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, các ứng dụng mà FPT đưa ra sẽ đem lại nhiều thuận tiện cho ngành y tế trong việc tăng cường chất lượng bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế, cải cách thủ tục hành chính khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế.

Đây còn là bước đệm cho việc kết nối với hệ thống giám định và quyết toán bảo hiểm y tế triển khai trong năm 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, ngành y tế thành phố cần xây dựng lộ trình cụ thể, nên chọn một bệnh viện tuyến thành phố để làm thí điểm rồi nhân rộng ra toàn thành phố. “Hiện phần mềm mà FPT đưa ra là phần mềm đóng, trong khi đó ngành y tế thành phố lại cần phần mềm mở để các bệnh viện dễ dàng làm chủ công nghệ”, ông Cẩm nói.

Nhìn nhận về 2 phương án mà FPT đưa ra, ông Nguyễn Tấn Hải cho rằng: “Trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay có 86 đơn vị y tế từ tuyến thành phố đến xã, phường. Nếu chia con số 70 tỷ đồng cho 86 đơn vị và trả dần trong vòng 3 năm thì tôi nghĩ khoản đó không lớn. Vì vậy, ngành y tế khuyến khích các cơ sở nên tự chủ về nguồn tài chính thuê lại phần mềm của FPT”, ông Hải phân tích.

Tuy nhiên, các bệnh viện, trung tâm y tế lại cho rằng, nếu thuê phần mềm của FPT thì thành phố cần phải có giải pháp hỗ trợ.

“Doanh thu mỗi tháng của Trung tâm Y tế quận Sơn Trà là 3 tỷ đồng, trong đó 80% tiền thuốc, 20% còn lại phải trang trải nhiều khoản khác. Trong khi đó, nếu thuê lại phần mềm FPT thì bắt buộc mỗi bệnh viện phải đầu tư cơ sở hạ tầng đạt chuẩn mới tích hợp được hệ thống phần mềm mà FPT đưa ra cũng như tốn kinh phí đào tạo nguồn nhân lực”, ông Cúc bày tỏ.

Theo ông Cúc, ngành y tế thành phố nên thu về một mối, cần có “nhạc trưởng” chỉ đạo đưa ra một hệ thống phần mềm xuyên suốt để các bệnh viện sử dụng hiệu quả.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.