.

Phòng chống sốt xuất huyết: Đừng "đánh trống bỏ dùi"

.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã chỉ đạo ngành y tế và chính quyền các địa phương trên địa bàn Đà Nẵng vào giữa tháng 11 phải dập được dịch sốt xuất huyết (SXH). Tuy nhiên, đến nay, tình hình dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp mặc dù thành phố đã tổ chức nhiều đợt ra quân rầm rộ để triển khai phòng, chống SXH.

Một sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Việt Hàn nằm điều trị SXH tại Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn.
Một sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Việt Hàn nằm điều trị SXH tại Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn.

Thống kê số ca mắc SXH từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng cho thấy dịch vẫn chưa “hạ nhiệt” như mong đợi. Tính đến ngày 8-11, toàn thành phố có 804 ca mắc, tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi tuần có trung bình trên 100 người mắc SXH.

Vẫn còn nhiều người nhập viện

Tại 2 bệnh viện lớn là Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản - Nhi, lượng bệnh nhân nằm điều trị SXH rơi vào tình trạng quá tải. Một phần khu Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi được dành cho đối tượng trẻ em mắc SXH nhưng vẫn còn cảnh kê thêm giường mới đủ chỗ cho bệnh nhân nằm.

Một bà mẹ chăm con 5 tuổi bị SXH điều trị tại đây lo lắng: “Bé sốt cao 40 độ liên tục nhưng không biết bị truyền bệnh từ nhà hay từ trường mầm non. Nhà có nhiều trẻ nhỏ nhưng không ai bị bệnh. Hôm đón con, tôi thấy trường cháu đang sửa chữa nên chỗ nằm ngủ của các bé có thay đổi. Tôi cũng không biết trường cháu có em nào bị như vậy không. Nếu bệnh ở nhà, mình còn xử lý được, chứ nhiễm bệnh ở trường hoặc nơi khác thì đành chịu”.

Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng những ngày qua cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân SXH. Số liệu ghi nhận tại đây cho thấy bệnh nhân tăng liên tục trong các tháng gần đây.

Cụ thể, tháng 6 có 16 bệnh nhân SXH, tháng 7 có 18 bệnh, tháng 8 có 51 bệnh, tháng 9 có 83 bệnh và tháng 10 cao điểm nhất với 231 bệnh. Trong đó, riêng tháng 10 có 20 ca sốt Dengue. So với năm ngoái, số lượng nhập viện SXH tăng đột biến. Gặp những ca trực ngoài giờ hành chính, bác sĩ và điều dưỡng phải nỗ lực hết sức mới có thể chăm sóc lượng bệnh nhân quá đông.

Các bệnh viện tuyến quận cũng đông bệnh nhân nằm điều trị SXH. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Ngũ Hành Sơn cho biết, số lượng bệnh nhân tăng nhiều hơn so với năm trước nhưng thể bệnh không nặng nề hơn. Hầu hết bệnh nhân được điều trị ổn định tại chỗ mà không cần chuyển viện.

Ra quân rầm rộ nhưng… chưa hiệu quả

Để phòng chống dịch SXH, các địa phương đã tổ chức kêu gọi người dân, thanh niên tình nguyện ra quân tổng dọn vệ sinh, diệt lăng quăng, bọ gậy. Tuy vậy, ra quân xong rồi… đâu lại vào đấy. Đặc biệt, tại các khu trọ, ký túc xá và khu nhà tạm, vấn đề vệ sinh môi trường vẫn rất nhức nhối.

Nằm điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Ngũ Hành Sơn, sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (21 tuổi, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Việt Hàn) cho biết: “Em bị SXH thể xuất huyết tiêu hóa. Trước em, có 2 bạn phòng bên cạnh cũng bị SXH, nhưng ai ốm thì tự đi khám chứ chủ trọ không tổ chức dọn dẹp vệ sinh gì. Em thuê trọ nhà dân ở gần sát bên trường”.

Đối với các sinh viên Trường CĐ Dạy nghề số 5, sinh hoạt theo môi trường quân đội nên cũng tuân thủ quy định tổng dọn vệ sinh khá nghiêm túc. Dù cảnh quan tại đây thông thoáng nhưng vẫn có 2 sinh viên sống trong ký túc xá trường bị SXH nằm điều trị tại Bệnh viện Sơn Trà.

Đại úy Huỳnh Quận, Trưởng phòng Hành chính Trường CĐ dạy nghề số 5 chia sẻ, trường rất quan tâm việc phòng dịch. Mỗi sáng thứ sáu, các sinh viên phải tham gia dọn vệ sinh trong vòng 30 phút. Trước tình hình sinh viên mắc SXH, nhà trường sẽ phối hợp bộ phận y tế kiểm tra muỗi để đưa ra biện pháp xử lý. Tuy nhiên, nếu bên trong khuôn viên của trường sạch sẽ mà không gian bên ngoài lại không bảo đảm để muỗi bay vào trường cũng rất đáng ngại. Được biết, liền kề trường là khu dân cư có dịch SXH vừa được đội y tế dự phòng phun thuốc xử lý.

Là một trong những địa bàn “nóng” về dịch SXH, bác sĩ Phạm Văn Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn quận có 144 ca mắc, tập trung nhiều ở các phường Mỹ An và Hòa Quý. Quận đã ra quân tổng dọn vệ sinh nhưng tình hình dịch bệnh chưa thể giảm vì nhiều lý do như nơi đây tập trung nhiều nhà tạm vô chủ (dân xây lên chờ giải tỏa) và người dân cũng dọn dẹp cho có phong trào chứ chưa thực sự coi trọng diệt lăng quăng, bọ gậy.

“UBND quận đã hỗ trợ cho Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn 50 triệu đồng để phun thuốc; bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ mỗi tổ dân phố 30.000 đồng dập dịch. Hy vọng từ tuần đến, nhờ phun thuốc kết hợp diệt lăng quăng thì dịch sẽ giảm”, bác sĩ Phạm Văn Tài nói.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.