Y tế - Sức khỏe

Gian nan cai nghiện tại gia đình, cộng đồng

Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ

07:46, 01/12/2015 (GMT+7)

Cai nghiện tập trung đã khó, cai nghiện tại cộng đồng càng khó hơn bởi người nghiện không được cách ly khỏi môi trường xung quanh nên dễ tái nghiện. Như vậy, để cai nghiện tại cộng đồng đạt hiệu quả, cần giải pháp căn cơ hơn.

Người nghiện học nghề tại Đà Nẵng để có việc làm phù hợp, tránh tái nghiện.
Người nghiện học nghề tại Đà Nẵng để có việc làm phù hợp, tránh tái nghiện.

Tăng cường liệu pháp tâm lý

Quy trình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng được thực hiện theo phương thức cắt cơn giải độc tại các cơ sở điều trị là trung tâm y tế các quận, huyện hoặc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, sau đó được chuyển về gia đình để tiếp tục thực hiện quy trình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Bác sĩ Phạm Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện quận Hải Châu cho rằng, nên quy về một đầu mối: Tất cả địa phương đều đưa người nghiện về cắt cơn tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng hơn là ở Trung tâm y tế quận, huyện.

“Thực tế hiện nay, hầu hết cơ sở y tế tuyến quận, huyện đều không bảo đảm yêu cầu về cơ sở vật chất và khó có thể dành riêng một khu cách ly cho người nghiện như ở Bệnh viện Tâm thần. Bởi vậy, việc điều trị tại những nơi này khó có hiệu quả”, bác sĩ Hòa nói.

Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, ma túy tác động lên não bộ gây tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn, khiến người nghiện ma túy dễ bị rối loạn tâm thần nặng, dẫn đến những hành vi nguy hiểm khó kiểm soát.

Ngoài cai nghiện thì việc giúp bệnh nhân cải thiện nhận thức, tự xây dựng những biện pháp phòng chống sa ngã, tránh tái nghiện cũng không phải là điều đơn giản.

Theo bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của việc cai nghiện ma túy chính là nhận thức, sự phối hợp, tự nguyện của chính bản thân người nghiện.

Điều này có một phần ảnh hưởng rất lớn từ thái độ của những người xung quanh với họ. “Coi người nghiện là bệnh nhân cần sự hỗ trợ điều trị là cách ứng xử nhân văn, nhưng không phải ai cũng hiểu được điều này.

Ngay cả gia đình người nghiện mặc dù thương người thân nhưng đôi khi không có cách cư xử phù hợp. Vì vậy, thiết nghĩ, nên có những giải pháp tuyên truyền cụ thể nhằm thay đổi nhận thức của xã hội cũng như tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng cần thiết cho gia đình có người nghiện ma túy để họ đồng hành, hỗ trợ kịp thời cho người thân”.

Bác sĩ Trung nhấn mạnh, người cai nghiện ma túy cần có sự chăm sóc đầy đủ, cẩn thận, chu đáo như những bệnh mãn tính khác thì mới có thể ngăn chặn tái phát. “Cắt cơn là giai đoạn đầu tiên trong quá trình cai nghiện ma túy nhằm giảm thiểu những hội chứng cai về mặt cơ thể, giúp người nghiện tiếp tục tiến trình trị liệu và phục hồi tiếp theo. Nhưng thành công của việc cai nghiện ma túy phụ thuộc rất lớn vào sự duy trì sau giai đoạn cắt cơn, phòng ngừa tái nghiện.

Vì vậy, gia đình, bạn bè có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người nghiện chấm dứt sử dụng ma túy, là điểm tựa giúp họ quay trở về cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng. Rất nhiều cha mẹ thương con nhưng không biết cách cư xử phù hợp, đôi khi la mắng, chê trách, giận dữ… khiến khoảng cách giữa gia đình và người nghiện ma túy ngày càng xa; hoặc họ có thể bị bạn nghiện dụ dỗ, lôi kéo. Điều này sẽ dễ đẩy họ về lại con đường cũ sau khi đã thực hiện các biện pháp cắt cơn...”, bác sĩ Trung nói.

Xây dựng cơ sở điều trị chất lượng

Hiện nay, khoa Pháp y - Nghiện của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng chỉ có 40 giường dành cho cả bệnh nhân nghiện rượu lẫn bệnh nhân nghiện ma túy, chỉ có duy nhất một phòng cách ly cắt cơn có sức chứa tối đa 3 người.

Bác sĩ Trung cho biết: “Do bệnh viện đang thiếu cơ sở vật chất, không có phòng tập thể lực, phòng vật lý trị liệu, phòng dạy nghề, phòng sinh hoạt, giải trí… nên việc điều trị bệnh nhân gặp nhiều khó khăn, nhất là khi bệnh nhân đông”. Đồng thời, bác sĩ Trung đề nghị nên xây dựng cơ sở điều trị riêng cho bệnh nhân nghiện ma túy tại Bệnh viện Tâm thần để nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Trong Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng dự kiến đầu tư nâng cấp khu điều trị tự nguyện tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, Bệnh viện Y học cổ truyền và Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang.

Phấn đấu đến cuối năm 2016, hình thành phòng tư vấn hỗ trợ trị liệu tâm lý cho người nghiện ma túy ở cộng đồng; đồng thời xây dựng phòng tư vấn, hỗ trợ trị liệu tâm lý cho người nghiện tại Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố.

Theo ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố, một trong những vấn đề khó khăn khi cai nghiện tại cộng đồng là do người nghiện không có việc làm nên dễ dẫn đến tái nghiện ngay sau khi cắt cơn.

“Cần chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy; đồng thời có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở dân lập điều trị nghiện tự nguyện”, ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, để công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đạt hiệu quả như mong đợi, cần sự nỗ lực, vào cuộc hơn nữa của bản thân người nghiện cũng như sự phối hợp đồng bộ, quan tâm của các cơ sở điều trị, nhất là sự chia sẻ về các chi phí thuốc men trong quá trình cắt cơn, giải độc cho người nghiện, bởi hầu hết các gia đình có người nghiện đều có hoàn cảnh khó khăn. 

Bên cạnh đó, gia đình, cộng đồng và xã hội cần có cách nhìn cởi mở hơn đối với người nghiện, bởi chính sự kỳ thị vô tình đã  đẩy người nghiện đi xa hơn vào tình trạng nghiện ngập, thậm chí phạm tội, gây khó khăn cho công tác cai nghiện...

Đà Nẵng có hơn 1.800 người nghiện có hồ sơ quản lý

Báo cáo mới nhất của UBND thành phố Đà Nẵng cho thấy, số người nghiện có trong danh sách quản lý toàn thành phố là hơn 1.800 người. Đáng chú ý, chỉ trong 7 tháng, từ ngày 20-8-2014 đến ngày 20-3-2015, lực lượng chức năng phát hiện, lập hồ sơ xử lý 1.299 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy. So thời gian cùng kỳ, phát hiện, xử lý người nghiện tăng đến 91%. Trong đó, có 83 trường hợp bị xử lý hình sự về tội phạm ma túy.

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng, tính đến ngày 15-9, toàn thành phố có 940 người tham gia cai nghiện, trong đó có 488 người cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06, 106 người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và 346 người tham gia điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Trong 106 người cai nghiện tại cộng đồng hầu hết là lao động phổ thông, có việc làm nhưng không ổn định hoặc chưa có việc làm.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ - TRÂM ANH

.