.

Chính thức thông tuyến khám chữa bệnh

.

Nhiều người bệnh không biết đã chính thức thông tuyến và lượng bệnh nhân không biến động đáng kể giữa các bệnh viện trong ngày 4-1, ngày đầu áp dụng quy định thông tuyến khám chữa bệnh phường, xã, quận, huyện.

Khu đón tiếp bệnh nhân của Bệnh viện đa khoa Hải Châu khá khang trang.
Khu đón tiếp bệnh nhân của Bệnh viện đa khoa Hải Châu khá khang trang.

Thông tuyến là gì?

Thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) là một trong những thay đổi mới nhất trong lĩnh vực y tế được áp dụng từ ngày 1-1-2016, nhằm tăng quyền lợi cho người bệnh. Theo đó, bệnh nhân dù đăng ký KCB BHYT ban đầu tại trạm y tế phường, xã hoặc trung tâm y tế quận, huyện nào tại Đà Nẵng cũng đều có quyền đến bất kỳ trạm và trung tâm khác, miễn trên cùng địa bàn thành phố và cùng tuyến.

Các trạm phường, xã và các bệnh viện quận, huyện được thông với nhau, đồng nghĩa người bệnh có nhiều nơi để đến KCB ban đầu và vẫn được giữ nguyên quyền lợi. Việc phân bố đầu thẻ BHYT cho từng cơ sở KCB chỉ còn mang tính chất tượng trưng.

Quy định thông tuyến đã chính thức có hiệu lực, nhưng khảo sát một số bệnh nhân vào sáng 4-1, tất cả người bệnh được hỏi đều tỏ ra không biết về thông tuyến. Nhiều người còn không rõ thông tuyến nghĩa là gì, họ sẽ được quyền lợi gì sau quy định này. Đến khi nghe giải thích qua về thông tuyến, hầu hết người bệnh đều cho rằng: vậy thì tốt quá!

Lâu nay, ông Phạm Tĩnh, 55 tuổi, trú tại đường Trần Xuân Lê, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, mua BHYT Trung tâm y tế Hải Châu. Ông Tĩnh cho biết: “Tôi có bệnh hen suyễn, nhiều lần mệt giữa đêm phải đi cấp cứu thở khí dung. Bình thường tôi khám ở Bệnh viện đa khoa Hải Châu, nhưng lúc khó thở quá, phải đi gấp thì vào Bệnh viện đa khoa Thanh Khê cho gần nhà. Nhiều lúc muốn nhập viện ở Thanh Khê luôn cho tiện, vì từ nhà tôi đến đây khá gần, nhưng sợ trái tuyến không được thanh toán BHYT nhiều nên thôi. Giờ được thông tuyến, tôi sẽ chọn nơi nào tiện cho mình để đến”.

Đưa con đến Bệnh viện đa khoa Thanh Khê khám, chị Thu Hương, phụ huynh có con đang theo học Trường tiểu học Hà Huy Tập, quận Thanh Khê cho biết: “Gia đình sinh sống ở quận Liên Chiểu nhưng con mua BHYT học sinh theo nhà trường nên có bảo hiểm Trung tâm Y tế Thanh Khê. Tôi có nghe thông tuyến, song không rõ bao giờ mới thông. Được thông sẽ khỏe cho mình, ở trên địa bàn Liên Chiểu cứ đến Bệnh viện Liên Chiểu khám. Bệnh viện chỗ nào cũng vậy, đều có bác sĩ, đều muốn làm bệnh nhân hài lòng”.

Bệnh viện dốc sức làm mới

Dù không lường được số lượng bệnh nhân sẽ biến động như thế nào sau thông tuyến, nhưng ghi nhận của chúng tôi vào ngày 4-1, tất cả các bệnh viện quận, huyện đều cho tăng bàn khám, tăng bàn hướng dẫn, mở rộng khu tiếp đón bệnh nhân, bố trí thêm quạt mát, nước uống, tập huấn thái độ ứng xử với người bệnh ở tất cả các bộ phận, triển khai máy đọc mã vạch 2 chiều thẻ BHYT, rút gọn thủ tục v.v...

Theo lãnh đạo các bệnh viện, đây là giai đoạn bắt đầu cuộc cạnh tranh thật sự nên nơi nào cũng dốc sức làm tốt và làm mới cả chất lượng lẫn hình thức phục vụ.

Bác sĩ CKII Nguyễn Duy Hải, Giám đốc Trung tâm y tế quận Hải Châu cho biết, Bệnh viện đa khoa Hải Châu đã tăng từ 14 bàn khám lên thành 20 bàn. Tuy vậy, chỉ mới qua một ngày thông tuyến nên chưa thể đánh giá tình hình số lượng bệnh nhân sẽ như thế nào.

Khu khám Bệnh viện đa khoa Hải Châu hoạt động tại cơ sở mới vừa xây dựng khang trang, nên dù lượng bệnh nhân đông vẫn có đủ chỗ ngồi chờ. Người già, trẻ nhỏ v.v… có khu vực đăng ký ưu tiên.

Bệnh viện Ngũ Hành Sơn cũng có sự thay đổi từ 9 lên 10 bàn khám. Bác sĩ CKII Phạm Văn Tài, Giám đốc Trung tâm y tế Ngũ Hành Sơn cho biết, khu khám có đủ các chuyên khoa lẻ như tai-mũi-họng, mắt… Bệnh viện thực hiện quy trình 1 chiều, bệnh nhân không phải đi lòng vòng hoàn thành thủ tục.

Tại Bệnh viện đa khoa Thanh Khê, bác sĩ CKI Lê Thúy Nguyệt cho rằng, thông tuyến mở ra nhiều lợi ích cho bệnh nhân và tạo động lực thúc đẩy các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trước mắt, khó khăn cho ngành y tế vẫn nhiều hơn thuận lợi.

Bệnh viện phải điều chỉnh lại các phần mềm quản lý để tiếp nhận bệnh từ các nơi khác đến mà vẫn bảo đảm không để xảy ra tình trạng máy báo “trái tuyến, vượt tuyến”. Cơ sở vật chất dù còn chắp vá cũng phải sắp xếp có sự liên hoàn để người bệnh được giảm sự phiền hà. Khó nhất hiện nay vẫn là việc quản lý quỹ BHYT, khi các bệnh viện chưa có chung phần mềm thống nhất. Nếu có một số người muốn trục lợi bằng cách đi khám nhiều nơi cùng một buổi thì vẫn khó bị phát hiện kịp thời.

Bài và ảnh: Thu Hoa

;
.
.
.
.
.