.
Phương hay Thuốc quý

Kinh nghiệm điều trị bệnh tổ đĩa

.

LTS: Vào năm 2001, bản tin của một hội Đông y cấp thành phố đã đăng gần nguyên văn bài này dưới tên tác giả là vị lương y chủ tịch một quận hội. Sau đó không lâu thì người biên tập bản tin mới phát hiện BS. Nguyễn Quốc Kỳ và YS. Ngô Thị Định ở Bệnh viện YHDT II Nghệ Tĩnh mới là tác giả của bài viết này (đăng trên trang 17, tạp chí Đông y số 181 năm 1983).

Bài báo đã đăng trên trang 17 tạp chí Đông y số 181 năm 1983.
Bài báo đã đăng trên trang 17 tạp chí Đông y số 181 năm 1983.

Phương hay  thuốc quý xin giới thiệu lại bài viết này cùng bạn đọc.

Bệnh tổ đĩa là một bệnh ngoài da rất khó chữa. Đặc điểm của bệnh là phát ở lòng bàn tay (hoặc bàn chân), có lúc nhiễm trùng gây thành những ổ loét lớn làm ảnh hưởng đến lao động công tác và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

Từ trước đến nay, Y học cổ truyền dân tộc và y học hiện đại đã có nhiều phương pháp điều trị nhưng kết quả vẫn bị hạn chế.

Gần đây chúng tôi đã nghiên cứu điều trị theo phương pháp xông bằng thuốc nam cho một số bệnh nhân, đã thu được kết quả tốt.

Phương pháp điều trị :

Dược liệu để xông:

Lá ngải cứu tươi     50g; Lá cỏ mực tươi 30g; Lá sài hồ tươi 30g; Bột lưu huỳnh 5g; Giấm thanh 15ml; Rượu trắng 300 15ml; Nước tiểu trẻ em 20ml.

Phương pháp xông:

- Các loại dược liệu giã nhỏ, trộn đều với giấm thanh, nước tiểu và rượu.

- Dùng 5 hòn gạch ghép lại thành lò hình chữ U. Nền dưới lót 2 hòn, xung quanh ghép 3 bên 3 hòn, còn lại một phía bỏ trống để quạt than.

- Cách xông: Bỏ than củi vào trong lò đã được ghép gạch, quạt than cho đỏ hồng, gác trên lò mấy thanh tre hoặc củi tươi để khỏi cháy, cho hỗn hợp thuốc đã trộn đều để lên trên. Phía dưới vẫn quạt than cháy hồng, khi nào khói bốc lên nhiều thì bắt đầu xông bằng cách : với tư thế ngồi thỏa mái, để tay hoặc chân bị bệnh xông lên trên khói, độ cao thấp tùy thuộc vào sức nóng, tránh gây bỏng cho bệnh nhân.

Phủ kín lên trên (tay hoặc chân) một mảnh vải để kín không cho khói tỏa ra. Khi xông mồ hôi tay hoặc chân chảy ra nhiều dùng khăn lau sạch rồi lại tiếp tục xông, mỗi lần xông từ 30 - 40 phút, 2 ngày xông một lần cho đến lúc khỏi thì thôi.

Trong thời gian qua, chúng tôi đã điều trị cho gần 20 bệnh nhân bị bệnh tổ đĩa đều đã được chẩn đoán xác định và điều trị ở các khoa da liễu bệnh viện huyện, tỉnh, trung ương, quân đội, nhưng không đỡ. Điều trị bằng phương pháp xông trên cho bệnh nhân đều có kết quả tốt.

Có những bệnh nhân điều trị khỏi đến nay đã được 3 - 4 năm không tái phát. Như bệnh nhân Nguyễn Ngọc C.- cán bộ Ngân hàng Kiến thiết bị bệnh tổ đĩa từ lâu, được điều trị nhiều lần ở các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương không đỡ. Bệnh nhân cũng đã được dùng nhiều phương pháp xông, ngâm, rửa, xức và uống thuốc theo kinh nghiệm cổ truyền nhưng cũng không khỏi.

Bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp này xông liên tục 25 lần, cứ 2 ngày xông một lần, thời gian điều trị trên 50 ngày, bệnh khỏi hẳn, đã 3-4 năm nay không tái phát. Có một số bệnh nhân lúc đầu điều trị bệnh đỡ nhiều nhưng vì không tiếp tục xông nữa, sau một thời gian tái phát nhẹ, lại tiếp tục xông, bệnh lại đỡ.

Phần lớn các bệnh nhân này chúng tôi đã theo dõi là những bệnh nhân điều trị không liên tục, không khỏi hẳn, hoặc có những bệnh nhân được hướng dẫn về tự làm nhưng không bảo đảm thuốc đầy đủ và xông không đúng phương pháp. Do đó, để phương pháp này điều trị có kết quả tốt, phải thực hiện đúng phương pháp xông với đầy đủ thuốc của công thức, điều trị phải liên tục, kiên trì đến lúc khỏi hẳn.

Trên đây là một số kinh nghiệm chữa bệnh tổ đĩa, tuy bệnh nhân điều trị chưa được nhiều lắm, nhưng chúng tôi cũng mạnh dạn phổ biến để mọi người có bệnh biết và áp dụng. Vì phương pháp xông này rất đơn giản, thuốc dễ kiếm và người bệnh có thể tự làm để chữa được. Chúng tôi rất mong bạn đọc, nhất là bệnh nhân sau khi áp dụng phương pháp này, cho chúng tôi biết kết quả bằng trực tiếp và bằng thư để chúng tôi rút kinh nghiệm.

P.C.T (sưu tầm)

;
.
.
.
.
.