Y tế - Sức khỏe

Ghép đầu người: Đừng lo "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"

16:10, 16/01/2016 (GMT+7)

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề về hiến, ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) cho biết, năm 2017, thế giới sẽ lần đầu tiên có ca ghép đầu người. Đột phá cấy ghép đầu người: Viễn tưởng sẽ thành hiện thực.

Là một chuyên gia ghép tạng nên ông rất quan tâm ca ghép nói trên. Nếu thành công, Việt Nam có thể học hỏi được nhiều điều với việc mời các chuyên gia ghép đầu người đến Việt Nam chuyển giao kỹ thuật và kinh nghiệm.

Đó là về mặt kỹ thuật. Còn mặt pháp lý nếu việc ghép đầu người trở thành sự thật, liệu có nảy sinh các tranh chấp như câu chuyện “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” trong dân gian? Với câu hỏi này, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế):

+ Thông tin Việt Nam quan tâm và có thể sẽ thực hiện kỹ thuật ghép đầu người trong tương lai đang được dư luận quan tâm những ngày qua. Nhưng một điều quan trọng cần phải được xem xét là, pháp luật Việt Nam có cho phép thực hiện kỹ thuật ghép đầu người hay không, thưa ông?

TS. Nguyễn Huy Quang: Chúng ta mong mỏi vươn đến tầm cao của khoa học y học, trong đó ghép các bộ phận cơ thể người là khát vọng của mọi nền y học, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là nước có thể tự hào khi đã có nhiều kỹ thuật đã thành công như ghép thận, gan, tim và chuẩn bị ghép phổi.

Có được thành công đó là do chúng ta đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh để điều chỉnh kỹ thuật ghép, trong đó có các qui định về điều kiện về mặt y học, giữa người ghép và người cho; trang thiết bị y tế và nhân lực của các cơ sở y tế; cùng với các chế độ, qui trình cho việc ghép tạng v.v… khá đầy đủ. Luật “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” đã qui định cụ thể cho phép ghép các bộ phận cơ thể người như tim, gan, thận, rồi da mặt và đầu người…

TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).
TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).

Sẽ có một vấn đề được đặt ra khi việc ghép đầu người thành công: Người được ghép đầu với thân người khác, nếu sau đó sinh con thì con sẽ thuộc về ai, bởi xét nghiệm ADN sẽ cho ADN của phần thân người? Rồi việc làm thẻ căn cước công dân sẽ ra sao khi vân tay là của người đã chết?

TS. Nguyễn Huy Quang: Đó sẽ là sự kỳ thú về mặt pháp lý, khi liên quan đến tiến bộ khoa học công nghệ. Thực tiễn nảy sinh buộc pháp luật phải suy nghĩ.

Nhưng, một người đi phẫu thuật thẩm mỹ, hay chuyển giới … thì cũng chỉ được chuyển đổi chính thức trong giấy tờ khi được phép. Cho dù phẫu thuật thẩm mỹ thành công hay không thì người đó vẫn là người đó theo căn cước công dân.

Trong việc ghép đầu người cũng vậy, vấn đề là phần cơ thể sống của ai thì người đó được tính là chủ thể. Khi người chết não đã hiến cho người khác, tức là đã tự nguyện từ bỏ quyền nhân thân rồi, là đã rõ ràng về mặt dân sự, không dính líu gì đến gia đình họ hàng cả. Do vậy, không thể có sự tranh chấp nào xảy ra.

Khi xây dựng Luật “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác”, chúng ta đã tính đến việc ghép đầu người thành công, để có các qui định phù hợp, nhằm tránh xảy ra tình trạng tranh chấp như trong câu chuyện “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” không thưa ông?

TS. Nguyễn Huy Quang: Luật “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” chỉ qui định về các điều kiện kỹ thuật và pháp lý để cho cuộc ghép thành công. Tùy từng trường hợp cụ thể, nếu xác định lại giới tính mới tính đến hộ tịch của người ta. Còn thì có quyền chung về quyền dân sự và nhân thân.

Ví như khi còn sống, người ta đồng ý cho cái thân rồi thì cái đầu được tiếp nhận cái thân đó sẽ là chủ thể, chứ phần thân người chả có nghĩa vụ gì về mặt pháp lý nữa. Cái chết của con người là kết thúc toàn bộ quyền nhân thân theo Bộ Luật Dân sự.

Thế nên không đặt ra chuyện tranh chấp. Kể cả việc nếu người được ghép đầu về sau có con, thì việc xét nghiệm ADN cho con cái cũng thuộc về kỹ thuật y học, không thuộc về pháp lý; cũng không thể có chuyện vì đầu người này lấy thân của người kia, thì lại “thừa kế” luôn cả những người thân của họ; hay người này lúc sống nợ nần đầm đìa thì khi người có đầu tiếp nhận cơ thể đó lại phải trả nợ thay. Mà tất cả điều chỉnh bằng Luật dân sự.

Tôi cho rằng, có ghép được đầu người hay không mà thôi, còn các vấn đề về pháp lý phát sinh sau khi ghép đầu người thành công, không có gì phải lo ngại cả.

+ Cám ơn ông đã trao đổi!

Năm 2017, nếu thế giới ghép đầu người thành công, sẽ mở ra nhiều hy vọng cho Việt Nam khi chúng ta đã có những thành công trong ghép tạng. Vì thế, hy vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ thực hiện kỹ thuật ghép đầu người.

Điều này cực kỳ có ý nghĩa khi giúp cho những người có trí óc minh nhưng lại bị bệnh teo cơ, bệnh bại liệt được sống với thân hình khỏe mạnh của người bị chết não đồng ý cho. 

Để biến ước mơ ghép đầu người thành hiện thực, đòi hỏi Việt Nam phải có sự chuẩn bị rất lớn về đào tạo nhân lực, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại; cũng phải chuẩn bị cả người sẵn sàng ghép đầu cũng như người tự nguyện hiến cơ thể.

Có danh sách những người mong muốn được ghép đầu giúp Trung tâm Điều phối về ghép bộ phận cơ thể người nắm bắt được ở Việt Nam có bao nhiêu người mong muốn được ghép đầu. Vì thế, cũng cần dự liệu đến những vấn đề phát sinh xung quanh việc ghép đầu người.

Tuy nhiên, trước mắt, GS Trịnh Hồng Sơn mong muốn mọi người hiểu thêm về vấn đề ghép tạng, từ đó tiếp tục ủng hộ hoạt động của Trung tâm Điều phối về ghép bộ phận cơ thể người bằng việc đăng ký hiến tạng, để tạo thành nền tảng cho khát vọng Việt Nam sẽ tiến xa trong việc ghép các bộ phận cơ thể người.

Theo Công an nhân dân

.