Y tế - Sức khỏe

Bệnh viện Đà Nẵng

Đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu

07:58, 26/02/2016 (GMT+7)

“Từ tình trạng xanh như tàu lá, xỉu lên, xỉu xuống vì suy thận giai đoạn cuối, không ngờ quả thận mới được ghép vào cơ thể em đã hoạt động tốt hơn cả những gì em dám mơ”, Trương Thúy An, cô gái vừa được ghép thận thành công tại Bệnh viện Đà Nẵng tâm sự.

Một ca can thiệp mạch tại phòng DSA, Bệnh viện Đà Nẵng (ảnh chụp sáng 24-2-2016).
Một ca can thiệp mạch tại phòng DSA, Bệnh viện Đà Nẵng (ảnh chụp sáng 24-2-2016).

“Hơn cả điều em mong đợi”

Ngày 24-2 vừa qua, chúng tôi gặp lại Trương Thúy An (25 tuổi), được ghép thận từ nội tạng của mẹ ruột tại Bệnh viện Đà Nẵng cách đây hơn 4 tháng, giờ đã là kỹ sư điện của Công ty Cơ điện lạnh (Khu công nghiệp Hòa Khánh). Cô thật sự vui với công việc và sức khỏe của mình.

“Bây giờ, em có sức khỏe hoàn toàn bình thường để đảm đương công việc. Em cũng tăng 6kg. Từ khi xuất viện (13-10-2015) đến nay, cứ 10 ngày em tái khám một lần và mọi thứ rất hoàn hảo. Trước khi ghép, em đã tìm hiểu về những rủi ro có thể xảy ra, nhưng không ngờ ca ghép thành công hơn mong đợi”, Thúy An hạnh phúc chia sẻ.

Trương Thúy An là trường hợp ghép thận thành công thứ ba của Bệnh viện Đà Nẵng kể từ đầu năm 2015. Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), cô gái đến từ Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) chưa kịp thực hiện ước mơ lập nghiệp thì phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo và lọc máu liên tục.

May mắn, An được nhận thận hiến từ mẹ ruột. Ca lấy thận của mẹ An diễn ra trong 2 giờ đồng hồ và ghép ngay cho An trong 1,5 giờ. Sau khi ghép, các thông số sức khỏe của hai mẹ con hoàn toàn ổn định. Đến nay, cả An và mẹ đều khỏe mạnh bình thường.

Hiện có 300 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối nằm điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó 80% số người phải chạy thận nhân tạo và một số trường hợp đang chờ ghép thận. Từ năm 2006, Bệnh viện Đà Nẵng đã triển khai ca ghép thận đầu tiên. Tuy nhiên, do chưa đủ cơ sở vật chất và các điều kiện khác nên kỹ thuật này phải tạm ngừng và vừa được tái khởi động vào năm 2015.

Người chết sống lại!

Đây là cụm từ được nhắc nhiều kể từ khi Bệnh viện Đà Nẵng triển khai kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (gọi tắt là ECMO) giúp các bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở có thể… sống lại. Là đơn vị y tế đầu tiên tại miền Trung thực hiện phương pháp ECMO từ năm 2015, Bệnh viện Đà Nẵng đã làm chủ được một trong những kỹ thuật còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Đến nay đã có 3 bệnh nhân “hồi sinh” nhờ phương pháp này.

Ngay trước Tết Nguyên đán Bính Thân, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Hồ Thị M. (45 tuổi) đến từ Quảng Ngãi trong tình trạng suy đa tạng, trụy mạch, suy hô hấp và nhiễm trùng huyết. Trước đó, bệnh nhân đột ngột đau ngực, khó thở tại nhà và được điều trị 4 ngày tại bệnh viện địa phương.

Sau khi vào Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân lên cơn rung thất, ngưng tim, ngưng thở, đe dọa tính mạng. Lập tức, bệnh nhân M. được hồi sức ngưng tim, lọc máu liên tục, phối hợp với ECMO. Sau 5 ngày chạy ECMO, chức năng tim cải thiện, huyết áp ổn định…

TS, BS Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết ECMO được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị các bệnh lý về tim như viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, khiến tim không hoạt động được, không thể tạo máu tươi đi nuôi cơ thể; đồng thời áp dụng cho những bệnh nhân tổn thương phổi cấp do nhiều nguyên nhân, khiến phổi mất hết chức năng trao đổi oxy, làm cơ thể suy sụp, suy đa tạng và tử vong rất nhanh. ECMO làm thay chức năng của phổi hoặc tim, hoặc cả phổi và tim và bệnh nhân được sống nhân tạo trong thời gian chờ tim, phổi thật được điều trị hồi phục.

Can thiệp mạch

Cùng với ghép thận và ECMO, can thiệp mạch (mạch não, mạch tạng…) là những kỹ thuật cao, chuyên sâu mũi nhọn của Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện trong thời gian gần đây giúp cứu sống nhiều ca hy hữu.

Can thiệp nội mạch điều trị các bệnh xuất huyết tiêu hóa, chảy máu mũi, ho ra máu, vỡ tạng đặc trong chấn thương, can thiệp mạch não, v.v… đã trở thành hoạt động thường quy tại Bệnh viện Đà Nẵng từ khi đưa vào sử dụng 2 máy chụp mạch kỹ thuật số xóa nền (DSA) trị giá trên 52 tỷ đồng do tổ chức Trái tim vì Trái tim của Đức tài trợ. Can thiệp nội mạch được xem là phương pháp tối ưu và triệt để nhất hiện nay trong việc “làm lành” các mạch máu hở gây xuất huyết.

Cách đây không lâu, bệnh viện tiếp nhận cụ ông 71 tuổi (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng), khởi phát bệnh với triệu chứng nôn ra máu, đi ngoài ra máu tươi, huyết áp tụt, suy kiệt. Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, truyền máu nhiều lần, dùng thuốc nội khoa hỗ trợ nhưng không cầm máu nên được hội chẩn can thiệp nội mạch với DSA. Sau can thiệp nút mạch, bệnh nhân có huyết động ổn định, hết ra máu.

Trường hợp cấp cứu thành công như cụ ông này có thể được xem là ngoạn mục, nhưng cũng đã dần trở thành “bình thường” khi hằng ngày phòng DSA tiếp nhận rất nhiều ca bệnh nguy kịch. Tính đến nay, phòng DSA đã thực hiện hàng ngàn ca can thiệp mạch các loại (chi, tiêu hóa, thận, dị dạng) và can thiệp tim, vành, mạch não, v.v…

Bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ: Không bằng lòng với thực tại, giai đoạn 2016-2020, bệnh viện sẽ còn tiếp tục triển khai nhiều phương pháp mới và hình thành các trung tâm y khoa. Trong đó, đáng kể là thành lập Trung tâm tim mạch và triển khai đồng bộ các kỹ thuật giữa nội khoa, ngoại khoa, can thiệp.

Bên cạnh đó, bệnh viện đang chuẩn bị đầy đủ điều kiện để thành lập Trung tâm Chấn thương - Thần kinh. Những nỗ lực này nhằm thực hiện mục tiêu “Đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu, hội nhập khu vực” không chỉ của riêng bệnh viện mà của ngành y tế Đà Nẵng nói chung.

Bài và ảnh: THU HOA

.