Y tế - Sức khỏe
Siêu vi khuẩn kháng thuốc đe dọa tương lai kinh tế toàn cầu
Ngày 21-9, tại phiên thảo luận cấp cao về tình trạng kháng kháng sinh trong khuôn khổ Khóa họp 71 Đại hội đồng Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã lần đầu tiên đưa ra cam kết xử lý tình trạng kháng kháng sinh vốn đang được xem là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe của con người.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AP) |
Trong tuyên bố chung, các quốc gia cam kết triển khai những kế hoạch hành động quốc gia để xử lý tình trạng kháng kháng sinh dựa trên kế hoạch hành động toàn cầu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề ra hồi năm 2015.
Các quốc gia đồng thời kêu gọi củng cố những hệ thống theo dõi các căn bệnh truyền nhiễm có hiện tượng kháng kháng sinh và số lượng thuốc kháng sinh được dùng cho người, động vật và mùa màng, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế và tài trợ cho lĩnh vực này.
Các quốc gia cũng cam kết thắt chặt việc quản lý thuốc kháng sinh, tăng cường thông tin tuyên truyền về cách thức sử dụng thuốc kháng sinh hiệu quả nhất, đồng thời tìm kiếm những cách thức mới thay cho việc sử dụng loại thuốc này, trong đó có việc đưa ra phác đồ điều trị tốt hơn để dùng đúng thuốc, trị đúng bệnh và sử dụng vắcxin để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Phát biểu trước Đại hội đồng, Tổng Giám đốc WHO, bà Margaret Chan đã kêu gọi các quốc gia biến những cam kết vừa đưa ra thành hành động khẩn trương, hiệu quả trên khắp các lĩnh vực sức khỏe của con người, động vật và môi trường bởi theo bà "chúng ta không còn nhiều thời gian."
Cũng tại phiên họp, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc, ông Jose Graziano da Silva, cho biết tình trạng kháng kháng sinh là mối nguy cơ không chỉ ở các bệnh viện mà cả ở các trang trại và thực phẩm. Theo ông, nông nghiệp phải gánh một phần trách nhiệm bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh một cách có trách nhiệm hơn và giảm bớt nhu cầu sử dụng chúng thông qua việc giữ vệ sinh cho nông trại.
Đây là lần thứ tư Đại hội đồng Liên hợp quốc thảo luận về một vấn đề liên quan đến sức khỏe. Trong các khóa họp cấp cao trước đây, Đại hội đồng đã thảo luận về HIV/AIDS, các căn bệnh không truyền nhiễm như bệnh tiểu đường và bệnh tim, và virus Ebola. Các siêu vi khuẩn kháng thuốc trong thời gian qua đã lan rộng so tình trạng lạm dụng và sử dụng sai thuốc kháng sinh ở người, động vật và mùa màng... Những căn bệnh truyền nhiễm như bệnh lậu, bệnh lao, bệnh sốt rét đang ngày càng khó điều trị do tình trạng kháng kháng sinh.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 19/9 cảnh báo hiện tượng tình trạng siêu vi khuẩn kháng thuốc đang lan rộng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với quy mô như năm 2008, thậm chí còn tồi tệ hơn nữa.
Báo cáo với nhan đề "Vi khuẩn kháng thuốc: Mối đe dọa tương lai kinh tế của chúng ta" đã dự báo tình hình tài chính khi mà kháng sinh và những thuốc chống vi khuẩn kháng thuốc không thể điều trị các loại bệnh thông thường. Một đánh giá gần đây về vấn đề này cho biết chi phí y tế toàn cầu cho các bệnh kháng thuốc có thể lên đến 100.000 tỷ USD vào năm 2050.
Báo cáo của WB dự báo, giai đoạn 2017-2050 sẽ chứng kiến những nước và người nghèo nhất thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng với mức độ thiệt hại không kém gì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008./.
Vietnam+