Y tế - Sức khỏe

Can thiệp sớm để giúp trẻ hòa nhập

08:08, 10/10/2016 (GMT+7)

Nhiều số phận, con người không lành lặn đã được các cán bộ Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng phối hợp với gia đình can thiệp sớm nhằm đưa các em trở về cuộc sống bình thường…

Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng tư vấn tâm lý cho trẻ để can thiệp tâm lý kịp thời.
Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng tư vấn tâm lý cho trẻ để can thiệp tâm lý kịp thời.

Chú ý biểu hiện bất thường của con    

Ra đời trong sự mong chờ của cả gia đình hai bên nội, ngoại, Q. (ở quận Thanh Khê) dù đã hơn 2 tuổi nhưng chưa thể phát âm được từ nào. Suốt ngày ở nhà với bà ngoại nhưng Q. chỉ chơi một mình và không bao giờ đáp lại lời khi bà ngoại gọi. Ban đầu, mẹ của Q. không để ý điều này bởi công việc buôn bán quá bận rộn và cũng bởi cho rằng có thể do bé phát triển muộn hơn các bạn.

Tuy nhiên, càng ngày, những dấu hiệu bất thường ở Q. càng nhiều. Quá lo lắng, mẹ của Q. đưa con đến Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm - PV) để nhờ giúp đỡ. Bé Q. được cán bộ Trung tâm hướng dẫn và kết nối với các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Kết luận của bác sĩ cho thấy bé Q. có dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ, cần được can thiệp sớm. Từ kết luận đó, cán bộ Trung tâm đã cung cấp kiến thức khoa học để nhận thức đúng về rối loạn và giúp gia đình hỗ trợ con đúng cách.

Với sự nỗ lực không mệt mỏi của gia đình và Trung tâm, Q. tiến bộ rõ rệt. Bắt đầu với những âm một, sau đó, em có thể nhận diện các màu, hình dáng, trả lời các câu hỏi, rồi hình thành cách phát âm các câu dài… Sau khoảng nửa năm, bây giờ em có mức phát triển bình thường về các lĩnh vực: ngôn ngữ, giao tiếp, vận động và hiện đã đi học ở trường mầm non.

Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có thể phát hiện và can thiệp sớm giúp con trở lại bình thường như gia đình Q. Đơn cử như trường hợp bé M. (7 tuổi, ở quận Sơn Trà). Do công việc quá bận rộn nên mẹ của bé chủ yếu gửi con cho người giúp việc và đi làm đến tối mịt mới về. Ba của M. đi công tác nước ngoài nên cũng không gần gũi con. Thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ, M. gần như bị trầm cảm nặng. Thấy con ngày một gầy yếu, mẹ M. cứ nghĩ con bị suy dinh dưỡng nên đưa đi khám bác sĩ nhưng tình trạng sức khỏe của bé vẫn không được cải thiện. Cuối cùng, mẹ của M. đưa con đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn và hướng dẫn. Tuy nhiên, việc điều trị cho M. rất khó khăn do bệnh đã nặng.

Cha mẹ cũng cần được “chữa trị”

Theo bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm, bất kỳ rối loạn nào với trẻ cũng là nguy cơ làm trẻ chậm, khó hòa nhập và cần được can thiệp sớm. “Giai đoạn “vàng” để can thiệp là từ 0-6 tuổi. Bên cạnh sự nỗ lực và hướng dẫn đúng cách của cán bộ Trung tâm thì sự nỗ lực của gia đình mang lại kết quả không nhỏ”, bà Hoa nói. Song, theo bà Hoa, do cuộc sống ngày càng bận rộn và áp lực kiếm tiền nên không phải ông bố, bà mẹ nào cũng chú ý và hỗ trợ kịp thời khi con có biểu hiện bất thường. Do vậy, không ít trường hợp đến Trung tâm khi trẻ đã có chuyển biến xấu.

Qua khảo sát 200 phụ huynh trẻ khuyết tật trí tuệ của Trung tâm cho thấy, 54% bố mẹ có các biểu hiện rối nhiễu tâm trí như: đau đầu, mất ngủ kéo dài, lo lắng và không tin tưởng vào khả năng điều trị hồi phục của con mình. 50% phụ huynh trả lời cảm thấy bế tắc, chán nản, mất niềm vui trong cuộc sống, thậm chí cảm giác ảo thanh. Với những em có phụ huynh như vậy, kết quả phục hồi rất kém.

Bà Hoa cho biết, bên cạnh việc đánh giá các chỉ số phát triển tâm lý, căn cứ vào kết luận của bác sĩ, Trung tâm cùng phụ huynh lên kế hoạch can thiệp, hỗ trợ trị liệu tâm lý, hành vi cho trẻ. Đồng thời, đơn vị hướng dẫn phụ huynh những kỹ năng chăm sóc và cùng can thiệp, phối hợp hỗ trợ trẻ tại gia đình.

Thông qua việc tiếp xúc, trò chuyện với phụ huynh, các chuyên viên tâm lý của Trung tâm đã sử dụng những kỹ thuật của tham vấn nhằm giúp phụ huynh giải tỏa cảm xúc, vượt qua những khủng hoảng tâm lý khi phải đối mặt với khó khăn về kinh tế và các vấn đề của con trẻ. “Nhiều phụ huynh do áp lực cuộc sống và buồn vì bệnh tình của con nên có nguy cơ rơi vào khủng hoảng và rối nhiễu tâm trí. Bởi vậy, trước tiên, chúng tôi hỗ trợ họ phục hồi thông qua các mô hình sinh hoạt nhóm đồng đẳng (hay Câu lạc bộ phụ huynh). Hoạt động của nhóm được thực hiện thông qua phương pháp công tác xã hội cùng các giải pháp hỗ trợ như: sử dụng liệu pháp âm nhạc, lao động trị liệu, nghệ thuật trị liệu, vật lý trị liệu, thể dục thể thao, khiêu vũ và liệu pháp yoga ...; từ đó giúp họ ổn định tâm lý và cùng con vượt qua bệnh tật”, bà Hoa nói.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

.