Y tế - Sức khỏe
Cho em cuộc đời
Nhờ sự giúp đỡ của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng, hàng trăm em bé đã được mổ tim, hòa nhập với nhịp sống bình thường.
Bé Nhung sau khi được Hội hỗ trợ mổ tim giờ đã khỏe mạnh. |
Cuộc đời thứ hai
“Các chú, các bác đã cho con em một cuộc đời thứ hai. Nếu bé Nhung không được hỗ trợ để mổ tim thì giờ không biết cháu sẽ thế nào”, chị Trương Thị Kim Thoa (26 tuổi, ở quận Hải Châu), mẹ bé Nhung xúc động nói. Nhìn con gái 2 tuổi chạy nhảy, vui đùa, người mẹ trẻ không khỏi rơi nước mắt hạnh phúc.
Nhớ lại ngày đón bé Lê Hồng Nhung chào đời, chưa trọn niềm vui thì chị Thoa tưởng như sét đánh ngang tai khi nghe bác sĩ kết luận con bị tứ chứng fallot gồm 4 dị tật ở tim. Những ngày đó, bé Nhung nằm bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Chị Thoa phải nghỉ việc chăm con nên mọi trang trải cho cuộc sống đều dựa vào thu nhập 3 triệu đồng/tháng của chồng. Vay mượn khắp nơi lo cho con nhưng bệnh tình bé Nhung mỗi ngày một nặng.
Khắp người bé tím bầm và ho ra máu. “Bác sĩ bảo nếu không mổ sớm, bé sẽ khó qua khỏi bởi bệnh rất nặng. Nhưng em lấy đâu ra số tiền gần 100 triệu đồng để mổ tim cho con. Ăn còn không đủ nữa là... Đêm nào em cũng ôm con mà rơi nước mắt”, chị Thoa tâm sự. Và rồi sau đó, chị được Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng hỗ trợ hơn 70 triệu đồng điều trị cho con vào tháng 3-2016...
Cũng bị bệnh tim như bé Nhung nhưng em Nguyễn Đạt, học sinh lớp 7 Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm phải lên bàn mổ đến 3 lần. Chị Nguyễn Thị Lệ Hồng (46 tuổi, ở quận Liên Chiểu), mẹ Đạt cho biết, bác sĩ bảo bé bị bệnh hẹp ống động mạch tim, van ba lá. Chị Hồng bán bún mắm ở vỉa hè gần nhà nhưng phải nghỉ thường xuyên vì con hay nằm viện. Anh Nguyễn Văn Hùng, chồng chị làm thợ nề, kinh tế cũng bấp bênh. “Nếu không có Hội hỗ trợ, chắc Đạt đã không được mổ vì gia đình không đủ tiền. 3 lần con lên bàn mổ là 3 lần trái tim tôi như thắt lại. Chỉ mong con qua khỏi và khỏe mạnh”, chị Hồng nói. Những ngày Đạt nằm bệnh viện, người mẹ phải đi xin cơm từ thiện để ăn, dồn tiền mua thuốc bổ cho con. Đến giờ, Đạt đã khỏe hẳn và hầu như năm nào cũng đạt học sinh tiên tiến.
“Cha đẻ” của trẻ em bệnh tim bẩm sinh
Chương trình mổ tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo xuất phát từ ý tưởng của ông Trần Chí Thành, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố. Chứng kiến những đứa bé bị bệnh tim bẩm sinh nằm ở các bệnh viện và nhiều em trong số đó sự sống chỉ đếm từng ngày do không đủ tiền phẫu thuật, ông Thành không khỏi xót xa. Ý nghĩ phải tìm nhà tài trợ giúp các em trở về với cuộc sống bình thường luôn day dứt trong ông.
Ông đến các bệnh viện để xin danh sách trẻ em bị bệnh tim mà chưa thể mổ, đồng thời đi khắp nơi vận động các mạnh thường quân ủng hộ tiền giúp đỡ các em. Không chỉ vậy, ông và các cán bộ Hội còn kết nối với các bác sĩ giỏi ở Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chung tay điều trị. Đi cùng 45 em bị tim ra Hà Nội mổ lần đầu tiên và cho kết quả tốt đối với ông Thành là niềm vui quá lớn.
Người ta bảo ông “khôn” bởi ông không nhận một số tiền nhất định từ các mạnh thường quân như 10, 20 triệu đồng để hỗ trợ cho bệnh nhân mà vận động hỗ trợ theo phần trăm viện phí. Do không bị khống chế về kinh phí nên các em hầu hết đều được dùng thuốc tốt nhất và được mổ bởi bác sĩ giỏi nhất. “Không thể tiết kiệm được. Các em phải được mổ bởi kỹ thuật cao nhất để bảo đảm về mặt thẩm mỹ.
Các em còn cả một tương lai dài phía trước”, ông Thành nói. Vì thế, ông rất quan tâm đến vết mổ của từng em, nhất là với những bé gái. Nhờ vậy, trong 6 năm qua, ông Thành và các cán bộ Hội đã vận động hỗ trợ cho 458 em được phẫu thuật tim với số tiền hơn 21 tỷ đồng.
Sáu năm qua, không những Hội thực hiện được mục tiêu “Tất cả trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh đều được cứu chữa kịp thời”, mà hằng năm, ông Thành và các cán bộ Hội còn chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho hơn 97.000 em từ 0-20 tuổi. Qua khám đã phát hiện hơn 1.000 em có dấu hiệu bị bệnh tim bẩm sinh. Hội hỗ trợ 100% kinh phí phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em là con hộ nghèo, mới thoát nghèo, cháu nội, ngoại của liệt sĩ, thương binh loại 1, con sĩ quan, hạ sĩ quan đang công tác tại biên giới, hải đảo. Đối với các đối tượng khác, gia đình, tộc họ cùng lo, số chi phí còn lại Hội vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ để cứu chữa kịp thời.
Điều đáng mừng là có một số tổ chức nhân đạo, tổ chức phi chính phủ đã đồng hành với Hội để triển khai thực hiện chương trình trong nhiều năm qua, tiêu biểu như: Tổ chức Trả lại tuổi thơ, Tổ chức Vinacapital, AOG... Gần đây, tổ chức nhân đạo Hoa Sen của Hoa Kỳ đã đăng ký tài trợ thường xuyên để thực hiện chương trình. Và bây giờ, ông Thành cùng các cán bộ Hội vẫn đang tiếp tục hành trình đầy ý nghĩa để mang lại sự sống cho những đứa trẻ nghèo bất hạnh.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ