Y tế - Sức khỏe

Sinh viên thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản

08:04, 20/10/2016 (GMT+7)

Lâu nay, việc tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) trong các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) tại Đà Nẵng dẫu có nhưng chưa được chú trọng nên sinh viên (SV) vẫn còn “lơ mơ” trong chuyện tình dục an toàn.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế tham gia truyền thông về phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế tham gia truyền thông về phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Vào Đà Nẵng học, V. (SV năm 3 một trường ĐH trên địa bàn quận Liên Chiểu) sống chung với H. (SV cùng trường) tại một nhà trọ trên đường Phạm Như Xương. Trò chuyện một hồi, V. chia sẻ đã từng phá thai hai lần. “Tụi em “tính ngày” chứ dùng bao cao su (BCS) ngại lắm. Những lần “không may” bị “dính” thì đành phá thai vì tụi em còn đi học. Trong khu trọ này cũng có vài cặp như tụi em... Tương lai chưa biết thế nào”, V. nói.

Bác sĩ Lê Thế Phước, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cho biết, hiện nay SV còn thiếu kiến thức về sức khỏe tình dục. “Nhiều em đến khám khi biết mình có thai mà vẫn thắc mắc không hiểu vì sao. Các em vẫn còn chưa biết quan hệ tình dục như thế nào là an toàn và phải phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục ra sao”, bác sĩ Phước nói.

Việc sử dụng BCS đối với nhiều bạn trẻ hiện nay là điều “đáng xấu hổ”. Chị Nguyễn Thị Thu, chủ tiệm thuốc tây trên đường Thanh Thủy, quận Hải Châu cho biết: “Có một số bạn trẻ vào mua BCS mà bịt mặt kín mít. Người mua chủ yếu là nam giới và hỏi ra thì biết là SV trường cao đẳng gần đó...”.

Tại một số trường ĐH, CĐ, việc tuyên truyền về SKSS cũng được tổ chức vài đợt trong một năm. Đơn cử như Trường CĐ Thương mại đã phối hợp với Đoàn khối Các cơ quan thành phố Đà Nẵng tổ chức chương trình “Tuyên truyền và giáo dục SKSS” cho SV trong nhà trường. Tại đây, các SV được cung cấp những thông tin khoa học, tài liệu về chăm sóc SKSS, những tác động tiêu cực của việc mang thai ngoài ý muốn và tình trạng nạo phá thai trong thanh niên, cũng như các biện pháp phòng tránh. Hay như Trường CĐ Lương thực-Thực phẩm phối hợp với Trung tâm Chăm sóc SKSS thành phố Đà Nẵng tổ chức buổi “Tư vấn SKSS” cho SV, qua đó giải đáp cho các bạn trẻ những thắc mắc về tình dục an toàn, biện pháp phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục...

Tuy nhiên, những hoạt động tuyên truyền như thế này chưa nhiều và chưa thu hút đông đảo SV tham gia. Anh Trần Văn Phi, cán bộ phụ trách y tế Trường ĐH Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết, nhà trường có mời chuyên gia về tư vấn SKSS, sức khỏe tình dục cho các bạn nhưng số lượng tham gia chưa nhiều. “Hiện nay, các bạn học theo tín chỉ nên việc tập hợp để tham gia hoạt động ngoại khóa không dễ dàng”, anh Phi nói. Còn với Trường CĐ Công nghệ (Đại học Đà Nẵng), năm nào đơn vị cũng tổ chức tuyên truyền về chăm sóc SKSS cho SV. Tuy nhiên, chị Phạm Thị Tú Phương, Bí thư Đoàn trường cho biết, thực tế hoạt động này vẫn còn chung chung và chưa thực sự hấp dẫn SV.

Bác sĩ Lê Thế Phước cho rằng, SV đang ở độ tuổi thay đổi nhiều về tâm sinh lý và do hoàn cảnh sống xa nhà, tự do nên rất dễ dẫn đến quan hệ tình dục trước hôn nhân. Bởi vậy, nếu không trang bị kiến thức đầy đủ thì dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Trong khi đó, những buổi tuyên truyền về SKSS tại các trường vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Mới đây, một nhóm SV Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng chế tạo chiếc máy phát BCS tự động miễn phí, lắp đặt tại một số điểm ở quận Hải Châu và đến nay đã có hơn 2.000 chiếc BCS được phát ra.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

.