Y tế - Sức khỏe
Cây Bông ổi
Ở quê, tuổi thơ gắn với cây Bông ổi với việc hay hái quả chín đen ăn ngon lành, còn cô bé nhà bên thì thích ngắt các bông hoa bé xíu, xếp chồng lên nhau thành vòng hoa đeo ở trên cổ hoặc cổ tay, cổ chân như những món đồ trang sức.
Bông ổi còn có tên địa phương là Hoa ngũ sắc. Ảnh: P.C.T |
Bông ổi, có nơi gọi Ổi nho, Thơm ổi, Trâm anh, Hoa ngũ sắc, Hoa tứ quý; tài liệu tiếng Hán gọi là Mã anh đơn (马缨丹), Ngũ sắc mai (五色梅); tên khoa học là Lantana camara L., thuộc họ Cỏ roi ngựa – Verbenaceae.
Bông ổi là cây nhỏ, dạng bụi, cao 1,5m-2m. Thân có gai; cành dài, hình vuông, có gai ngắn và lông ráp. Lá mọc đối, khía răng, mặt dưới có lông. Cụm hoa là những bông co lại thành đầu giả mọc ở nách các lá ở ngọn. Hoa lưỡng tính, không cuống, màu đỏ, trắng, vàng, tím, da cam xen kẽ. Quả hạch hình cầu, nằm trong lá đài, khi chín màu đen; nhân gồm 1-2 hạt cứng, xù xì.
Bông ổi có nguồn gốc ở châu Mỹ, được nhập trồng và phát tán hoang dại khắp nơi, mọc hoang ở các bãi đất trống, đồi núi, ven bờ biển. Để làm thuốc dùng lá, hoa, rễ hoặc toàn cây thu hái vào mùa khô, phơi hay sấy khô. Cũng có khi dùng tươi.
Phân tích thành phần hóa học cho thấy lá chứa 0,2% tinh dầu; ở hoa khô chỉ có 0,07%. Tinh dầu có 8% terpen bicyclic và 10-12% L-a-phelandren. Tinh dầu bông ổi Ấn Độ chứa cameren, isocameren và micranen. Trong vỏ có 0,08% lantanin, là một alcaloid. Lá trong thời kỳ có hoa chứa 0,31-0,68% lantanin, còn có lantaden.
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, lá bông ổi có vị đắng, mùi hôi, tính mát, hơi có độc, có tác dụng hạ sốt, tiêu độc, tiêu sưng. Hoa có vị ngọt, tính mát, có tác dụng cầm máu. Rễ có vị dịu, tính mát, có tác dụng hạ sốt, tiêu độc, giảm đau. Người ta biết lantanin, cũng như quinin, làm giảm sự tuần hoàn và hạ nhiệt.
Người ta thường dùng rễ trị sốt lâu không dứt, quai bị, phong thấp đau xương, chấn thương bầm giáp. Hoa dùng trị lao có ho ra máu và hạ huyết áp. Liều dùng 30-60g, dạng thuốc sắc. Lá dùng ngoài đắp vết thương, vết loét hoặc dùng để cầm máu; cũng dùng trị ghẻ lở, viêm da, các vết chàm và dùng chườm nóng trị thấp khớp. Thường dùng tươi giã đắp ngoài hay nấu nước để rửa. Hoa dùng làm thuốc trị ho với liều 12g, dạng thuốc sắc hay hâm nóng hoặc chế xi-rô.
Theo Trung dược đại từ điển, Bông ổi có vị đắng tính lạnh, có tác dụng tiêu thũng, giải độc, trừ phong, chống ngứa; chủ trị ung thũng, thấp độc, mụt nhọt, ngứa lở.
Theo Trung hoa bản thảo, Bông ổi có vị đắng, hơi ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, chủ trị lao phổi, thổ huyết, đau bụng thổ tả, thấp chẩn (eczema), âm dưỡng (ngứa vùng hạ bộ).
Theo lương y Lê Trần Đức trong sách “Trồng hái và dùng cây thuốc”, để chữa đái tháo đường, dùng Bông ổi khô (cả hoa, cành, lá) 40g sắc uống thay nước chè hằng ngày đồng thời ăn thêm Củ mài, Củ súng.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi sử dụng tại các cơ sở thuốc nam Tuệ Tĩnh đường, Bông ổi (toàn cây thu trên mặt đất) là một vị chủ dược trong các bài thuốc trị các chứng viêm xoang, viêm tai mũi họng.
Đơn thuốc:
1. Viêm da, mẩn ngứa, eczema, nấm da, mụn nhọt lở loét: Nấu lá tươi để rửa ngoài.
2. Bong gân, chấn thương bầm giập, vết thương chảy máu: Giã lá tươi đắp ngoài. Hoặc dùng 30g lá khô, với 10g gừng khô tán bột rắc lên vết thương ngày một lần.
3. Ho ra máu và lao phổi: Dùng hoa khô 6-10g nấu nước uống.
4. Trị hạch độc: Lá tươi giã vắt nước chưng với rượu uống, đồng thời giã lá tươi với đường đỏ và một ít băng phiến đắp lên hạch.
5. Đau đầu trong thời tiết nắng nóng: Rễ tươi 30g, sắc uống.
6. Đau bụng thổ tả: Hoa tươi 15 bông, sắc nước pha chút muối ăn, chia 2 lần uống. Hoặc dùng 10g bột hoa khô tán mịn uống với nước ấm.
7. Cảm cúm, sưng quai bị, sốt cao: Rễ khô 30-50g, sắc uống.
8. Trị cảm mạo phong nhiệt: Lá tươi 40g, Tổ kén (Sơn chi ma) 20g, sắc chia 2 lần uống.
9. Đau răng do phong hỏa: Rễ khô 30g, Thạch cao 35g, sắc ngậm súc, có thể nuốt một ít.
10. Đau khớp tay chân: Rễ khô 15g, Trứng vịt màu xanh 1 quả, thêm nửa nước nửa rượu luộc trong 1 giờ, rồi uống nước ăn trứng.
PHAN CÔNG TUẤN