.

Lan gấm - Thạch tàm

.

Bạn Nguyễn Thị Như Quý từ tòa soạn tạp chí Cây thuốc quý ở Hà Nội có chuyển cho chúng tôi một câu hỏi của bạn đọc nhờ định danh một cây thuốc gọi là “Sâm đá” có nhiều ở vùng Con Cuông, Nghệ An, hiện được nhiều người dân khai thác bán cho các cơ sở thu mua.

Một số hình ảnh cây Lan gấm – Thạch tàm phát hiện tại Đà Nẵng. Ảnh: P.C.T
Một số hình ảnh cây Lan gấm – Thạch tàm phát hiện tại Đà Nẵng. Ảnh: P.C.T

Nhìn hình ảnh gửi kèm lấy từ Báo Công an Nghệ An, dù chưa có hoa, nhưng  nhờ chúng tôi đã gặp nhiều trong các đợt điều tra cây thuốc ở các khu bảo tồn thiên nhiên và rừng đặc dụng Bà Nà, Hải Vân, Sơn Trà thuộc thành phố Đà Nẵng, nên xin được trả lời ngay, đó là cây Thạch tàm hay Lan gấm, còn gọi Lá gấm, Lan cùi dìa, Thạch tầm, Thạch tằm, tên khoa học Ludisia discolor (Ker Gawl.) A.Rich., thuộc họ Lan – Orchidaceae.

Theo Trung Hoa bản thảo, cây này có tên chính là Huyết diệp lan (血叶兰), còn có các biệt danh Thạch tàm (石蚕), Thạch thượng ngẫu (石上藕), Chân kim thảo (真金草), Dị sắc huyết diệp lan (异色血叶兰).
Theo chúng tôi, một số sách dược liệu ở Việt Nam gọi tên chính cây này là Thạch tầm, Thạch tằm là không chính xác, nên cải chính là Thạch tàm. Vì  đây là loài lan mọc sát đất, có rễ bám vào đá (thạch 石) trông giống như con tằm (tàm 蚕).

Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện Dược liệu, tập 2), Thạch tàm là cây thảo ký sinh. Thân mềm mọng nước, phần dưới mọc bò, bén rễ ở các mấu, phần trên mọc đứng cao 15-25cm, hơi có lông. Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 4-7cm, rộng 2,5-3cm, gốc tròn, đầu hơi nhọn, mặt trên màu xanh lục, đôi khi màu tía, mặt dưới màu hồng tím, gân chính 3-5, hình cung; cuống lá dài, có bẹ ở gốc. Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành bông dài 3-8cm, có lông dày đặc; lá bắc màu nâu vàng; hoa màu trắng; lá đài lưng dính liền với cánh hoa thành mũ có 3 răng, lá đài bên rời nhau; cánh môi màu vàng hình chữ T, cột dài bằng bao phấn; bầu có lông. Quả nang.

Về sinh thái, Thạch tàm là cây đặc biệt ưa ẩm và ưa bóng, thường mọc rải rác hoặc thành đám nhỏ lẫn trong lớp thảm mục hoặc ở hốc đá, dưới tán rừng kín thường xanh ẩm, ở độ cao 700-1.500m. Cũng thường được trồng làm cảnh. Lá và thân thường có màu tía hay đỏ nâu giúp cho cây vẫn có thể quang hợp được trong điều kiện ánh sáng yếu.

Về phân bố, theo Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới, tập 2), Thạch tàm có ở Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Còn có ở Mianma, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Để làm thuốc, người ta thu hái toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.

Theo Đông y, Thạch tàm có vị nhạt, hơi chát, tính mát; có tác dụng tư âm nhuận phế, kiện tỳ, an thần, làm mát phổi, mát máu, sinh tân dịch, tiêu viêm, lọc máu. Thường dùng để chữa lao phổi, khạc ra máu, thần kinh suy nhược, chán ăn. Liều dùng dược liệu khô 3-9g, tươi 10-20g, dạng thuốc sắc.
Đơn thuốc:

- Đau dạ dày: Thạch tàm 20 sắc uống.

- Chữa phổi kết hạch, khạc ra máu, thần kinh suy nhược, kém ăn, ít ngủ, tinh thần tiều tụy: Thạch tàm, Mạch môn, Huyền sâm, Ngưu tất, Quyết minh tử (sao), Hoài sơn, mỗi vị 20g, sắc uống.
- Chữa viêm phế quản, ho: Thạch tàm, Lan củ dây (Bulbophylum concinnum), Ngọc trúc, Bách bộ, mỗi vị 20g, sắc uống.

Cần lưu ý, Thạch tàm hay Lan gấm và một số loài khác có hình thái tương tự như Lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus) vốn là những loài có trữ lượng ít ở Việt Nam. Những năm gần đây chúng bị khai thác khắp các vùng núi  cả ở miền Bắc lẫn trong Nam để bán qua biên giới. Hành động khai thác ồ ạt, thiếu kiểm soát, đã đẩy những loài này đến chỗ hiếm gặp, thậm chí có nguy cơ bị tuyệt chủng. Do đó vấn đề bảo vệ, bảo tồn, nghiên cứu nhân giống, nuôi trồng các cây thuốc quý này cần được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm.

Hiện nay ngoài cây “Sâm đá” là Thạch tàm – Lan gấm nói trong bài này, cũng từ phía Bắc có một loài cây khác cũng  được gọi  “Sâm đá” với nhiều huyền thoại ngoa truyền, sẽ được chúng tôi đề cập trong một bài viết khác.

PHAN CÔNG TUÂN

;
.
.
.
.
.