Cây cỏ quanh ta

Phương hay Thuốc quý

Cây thuốc ở Hoàng Sa

08:40, 23/01/2016 (GMT+7)

Theo chân một cựu binh tham dự trận hải chiến Hoàng Sa đầu năm 1974, ngày 17-1-2016 tôi có mặt tại núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn tham dự lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức.

Cây bàng vuông (lấy vỏ cây và hạt nghiền làm thuốc suốt cá) có nhiều ở Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn. Tại Đà Nẵng đã phát hiện một cây mọc hoang ở ven biển Làng Vân (Hòa Hiệp Bắc).  Ảnh: P.C.T
Cây bàng vuông (lấy vỏ cây và hạt nghiền làm thuốc suốt cá) có nhiều ở Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn. Tại Đà Nẵng đã phát hiện một cây mọc hoang ở ven biển Làng Vân (Hòa Hiệp Bắc). Ảnh: P.C.T

Ngoài nỗi lòng chung của con dân nước Việt đang đau đáu hướng về Biển Đông, tôi còn có một lý do riêng là thử khảo sát nhanh quần thể cây thuốc của huyện đảo Lý Sơn để có thể hình dung gần hơn về cây thuốc huyện đảo Hoàng Sa, đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng nhưng bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ ngày 19-1-1974.

Cách đây 4 năm, tôi từng liên hệ với học giả Vũ Hữu San, nguyên là Hạm trưởng Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ 4) đã tham gia trận hải chiến 19-1-1974, để xin giới thiệu một chương sách “Thảo mộc ở Hoàng Sa - Trường Sa” trong công trình khảo cứu “Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa” trên Tạp chí Cây thuốc quý số 184/2011.

Gần đây, Nghiêm Đức Trọng (Đại học Dược Hà Nội) đã nghiên cứu thống kê từ các tài liệu đã công bố của các tác giả từ 40 năm về trước như  H. Fontaine và Lê Văn Hội (1957), Trịnh Tuấn Anh (1973), Sơn Hồng Đức (1975)… đã cho biết về hệ thực vật hiện đã ghi nhận được 48 loài có mặt ở cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thuộc 25 họ thực vật, 41 chi và 48 loài khác nhau.

Có 5 loài chưa xác định chính xác tên khoa học (2 loài tới họ, 3 loài tới chi). Trong đó, họ Lúa có số loài lớn nhất (9 loài), tiếp theo đến các họ Cỏ roi ngựa (4 loài); các họ Cà-phê, Thầu dầu, Bìm bìm, Cúc (đều 3 loài),…

Theo Nghiêm Đức Trọng, nếu chỉ xét trên những cây đã xác định chính xác tên khoa học (43 loài), tiến hành so sánh sự có mặt của các loài này ở hai nước Việt Nam và Trung Quốc (để cho chính xác, chỉ tính phần đất liền), thì có một thông tin khá thú vị và rất đáng quan tâm là: Toàn bộ các cây này đều mọc ở trong đất liền của Việt Nam (100%), trong khi đó có tới 8 loài (chiếm 18,6%) không ghi nhận có mọc ở Trung Quốc (như Vĩ thảo hai gié - Brachiaria distachya (L.) Stapf; Mảnh vĩ bò - Lepturus repens (J.R.Forst.) R.Br.; Lâm bòng -Guettarda speciosa L.; Bàng nước - Fagraea crenulata Maingay ex C.B.Clarke;…).

Về hệ cây thuốc, trong tổng số 43 loài thực vật đã xác định được tên khoa học, tiến hành tra tài liệu tham khảo, thấy có 35 loài được sử dụng làm thuốc.

Như vậy, tỷ lệ cây thuốc trên tổng số cây là 81,4%. Đây thật sự là một con số đáng kinh ngạc và cũng rất đặc biệt. Trong khi tỷ lệ số cây được sử dụng làm thuốc của Việt Nam hiện nay khoảng 30% tổng số loài.

Hầu hết các loài cây thuốc được ghi nhận có ở Hoàng Sa đều khá quen thuộc đối với các vùng biển đảo khác ở nước ta như: Cỏ xước, Cúc mai (cúc mui), Sơn cúc hai hoa, Phong ba (Bạc biển), Bàng biển, Bàng vuông, Hếp, Dừa, Nhàu, Phi lao, Mù u, Dứa gai, Muống biển, Cỏ sữa nhỏ lá, Cỏ chông, Cỏ cú biển, Cỏ mần trầu, Bạch tật lê, Ké hoa vàng, Tơ xanh, Chó đẻ, Đuôi chuột, Lức dây, Rau sam, Hoa mười giờ, Sâm nam,…

Riêng về Sâm nam dùng rễ chữa ho suyễn, lợi tiểu, nhuận trường,… nước ta có đến 3 loài là Boerhavia diffusa (Sâm đất); B. chinensis (Sâm nam), B. erecta (Sâm nam đứng). Trong Quảng Đông thực vật chí, người Trung Quốc gắn tên địa danh Tây Sa (tức Hoàng Sa của ta) để gọi tên loài B. erecta là Tây Sa hoàng tế tâm (西沙黃細心). Tôi đã có lần cảnh báo về vấn đề này trên chương trình Tạp chí Văn hóa của DRT (phát sóng ngày 14-1-2012) để cảnh báo giới học giả chớ mắc mưu dịch tên thuốc ta ra thuốc… Tàu.

Nhiều sử liệu triều Nguyễn như Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đại Nam Hội Điển Sử Lệ (1851), Việt Sử Cương Giám Khảo Lược (1876), đã ghi nhận chính binh lính người Việt theo chỉ dụ của vua Minh Mạng đã tới Hoàng Sa lập miếu, dựng bia và trồng nhiều cây cối nhằm giúp ích cho tàu bè qua lại có thể dễ nhận ra đảo để tránh mắc cạn, khỏi đụng vào đảo và đá ngầm.

Do đó, có thể nói, cùng với các sử liệu, chính tài nguyên thực vật và cây thuốc hiện có ở Hoàng Sa là một phần di tích quá khứ người Việt xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa, đó là điều không ai có thể chối cãi.

Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đang phối hợp với Khoa Tài nguyên dược liệu (Viện Dược liệu) và Hội Dược liệu thành phố Đà Nẵng thực hiện đề tài khoa học cấp thành phố “Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển”.

Chúng tôi hy vọng sẽ có một phụ lục thống kê đầy đủ “Cây thuốc ở Hoàng Sa” xuất hiện trong tập sách “Cây thuốc Đà Nẵng” để giới thiệu cho bạn bè trong và ngoài nước trong thời gian đến.

PHAN CÔNG TUẤN

.