.
Vấn đề bạn đọc quan tâm:

Ẩn họa trước cổng trường

.

Khi các sân trường rộn ràng tiếng nói cười của học sinh, ấy cũng là lúc những người bán hàng rong ở trước cổng trường xuất hiện. Mỗi người chiếm một vị trí nhỏ để bày bán những món đồ chơi, những thức ăn, nước uống mà học sinh rất thích tùy theo từng độ tuổi. Thường là những hàng đồ chơi trước các trường mầm non; các món thức ăn chiên, trái cây dầm… ở các trường tiểu học và trung học cơ sở; me chua, xí muội… ở các trường trung học phổ thông...

Mô tả ảnh.

Hàng ăn bày bán ngay lề đường trước cổng trường.

Đối với những ngôi trường có học sinh nhỏ tuổi, cứ trước giờ vào lớp là cánh hàng rong lại xuất hiện, mặc kệ trên bờ tường, trước cổng trường đã đặt những tấm biển ghi dòng chữ “Không bán hàng rong trước cổng trường”. Tuy nhiên, việc đặt biển cấm là nhiệm vụ của nhà trường, còn việc bán hàng rong thì vẫn cứ liên tục phát triển. Các loại hàng được bày bán cho học sinh đa số rất bắt mắt, giá cả phải chăng, rất hợp khẩu vị với lứa tuổi. Vì vậy, cứ đầu giờ học hoặc sau giờ tan trường, từng nhóm học sinh cả nam lẫn nữ ùa đến bao quanh những quán hàng này để mua những món ăn mình thích.

Chỉ với vài nghìn đồng, các em có thể mua một bịch nước ngọt với một túi ni lông bên trong đựng mực khô tẩm gia vị, cá cơm chiên hay bò khô… Tất nhiên, tất cả những mặt hàng ấy đều không có nhãn mác, nơi sản xuất, hạn sử dụng… Một vài người bán hàng ở trước một số cổng trường nằm trên địa bàn quận Hải Châu thú nhận: Đa số bánh, kẹo, ô mai… bày bán cho học sinh đều có xuất xứ từ Trung Quốc, họ đến chợ mua sỉ rồi mang về phân ra từng gói nhỏ bán cho các em. Họ cho biết, đối với học sinh thì cái gì cứ rẻ và bắt mắt là các em rất thích. Chúng tôi đề cập đến vấn đề chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thì được nghe câu trả lời chung chung rằng ngày nào chúng nó cũng ăn cũng uống, năm này qua năm khác như vậy mà có thấy đứa nào chết đâu!

Về phía phụ huynh, đa số là những người phải luôn tất bật với công việc, con chỉ một hai đứa, nên mỗi khi đưa đón ở cổng trường, con mè nheo đòi cha mẹ mua quà vặt hay đồ chơi là rất dễ dàng đáp ứng, hoặc con đòi quà thì cứ mua cho qua chuyện để còn thời gian làm việc khác.

Đối với các bậc học cao hơn thì chủ nhân của những quán hàng trước cổng trường cũng phục vụ theo nhu cầu của học sinh lớn tuổi. Tuy nhiên, qua khảo sát, có rất nhiều hàng quán trước cổng các trường THPT có cả cà-phê và thuốc lá. Đây cũng là những địa chỉ mà các em học sinh lười học, cúp cua tìm đến.

So với nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước thì Đà Nẵng không có nhiều học sinh bị ngộ độc do sử dụng thức ăn, nước uống trước cổng trường. Tuy nhiên, chuyện học sinh vì ăn uống trước cổng trường bị đau bụng, nôn mửa để phải nghỉ học đôi ba ngày không phải quá hiếm. Các cơ quan hữu trách về an toàn vệ sinh thực phẩm đã từng tổ chức những đợt kiểm tra đối với những hàng quán trước cổng trường, cũng đã phát hiện và tịch thu nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc. Các cơ quan truyền thông cũng đã từng khuyến cáo về tác hại của những loại kẹo bánh, đồ chơi nguy hại đến sức khỏe và kích động tính bạo lực đối với trẻ em đang trong độ tuổi hình thành nhân cách. Tiếc thay, những việc làm này chỉ mang tính phong trào chứ không được triển khai một cách thường xuyên và kiên quyết.

Nên chăng, Ban giám hiệu các trường phối hợp với chính quyền địa phương để dẹp bỏ những hàng quán tự phát này, kiên quyết không cho học sinh của mình đưa quà vặt hay đồ chơi vào lớp, qua đó tạo cho các em học sinh một môi trường sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, bảo đảm sức khỏe và an toàn.

Bài và ảnh:  BẢO THY

;
.
.
.
.
.